Ai đã từng đến xóm Khuân Nang, xã Liên Minh (Võ Nhai) vào mùa mưa, “nếm trải” sự lầy lội, trơn trượt thì mới thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Vì vậy, khi Nhà nước triển khai Dự án xây dựng tuyến đường vào xóm, dù kinh tế còn khó khăn nhưng đồng bào người dân tộc thiểu số xóm Khuôn Nang ai nấy cũng phấn khởi, sẵn sàng hiến hàng nghìn mét vuông đất và tài sản trên đất giá trị hàng tỷ đồng để tạo điều kiện cho thi công công trình…
Xóm Khuân Nang có 102 hộ đồng bào dân tộc Dao đã định cư từ nhiều đời nay. Ở nơi vùng sâu vùng xa này, giao thông cách trở nên phần lớn bà con vẫn thuộc hộ nghèo và cận nghèo (chỉ có 3 hộ có kinh tế thuộc diện khá). Tuyến đường từ tỉnh lộ 265 đi vào xóm Khuân Nang dài gần chục kilômét là đường đất nên mùa mưa người dân muốn qua đây chỉ còn cách đeo ủng rồi đi bộ, các sản phẩm nông sản chủ lực (chè, gỗ keo) không bán được hoặc giá trị chỉ bằng non nửa so với nơi khác. Bà Bàn Thị Nảy, ở xóm Khuân Nang cho biết: Giao thông ở đây khó khăn lắm, nhất là vào mùa mưa, việc thông thương hàng hóa bị đình trệ, muốn mua, bán gì phải đợi thời tiết nắng, đường khô mới đem ra chợ bán. Nhà nào có người đau ốm, bệnh tật mà gặp hôm trời mưa thì chỉ có cách khiêng bằng cáng ra tỉnh lộ 265 mới có xe máy để chở đi viện... Còn ông Lý Tài Minh chia sẻ: Người dân ở đây chủ yếu là trồng chè và trồng rừng sản xuất để phát triển kinh tế nên xe chở gỗ nguyên liệu qua đây nhiều đã làm tuyến đường toàn ổ voi… Khổ nhất là các cô giáo dạy học tại Điểm trường Khuân Nang phải gửi xe, đi bộ hàng chục cây số để vào đây dạy học…
Trước những khó khăn của người dân trong xóm Khuân Nang, huyện Võ Nhai đã nhiều lần đề nghị Trung ương và tỉnh bố trí nguồn vốn để xây dựng tuyến đường này. Đến cuối năm 2016, bằng nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Phát triển để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, huyện Võ Nhai đã triển khai dự án trên. Ông Lao Văn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý các Dự án huyện Võ Nhai cho biết: Đây là một trong những dự án trọng điểm cho phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Võ Nhai được thực hiện trong năm 2016-2017. Do vậy, sau khi có nguồn vốn, huyện Võ Nhai, UBND 2 xã Liên Minh và Tràng Xá đã tích cực vận động người dân hiến đất, tháo dỡ công trình để đơn vị thi công triển khai thức hiện Dự án một cách nhanh nhất.
Theo thiết kế của công trình, tuyến đường rộng hơn 7m, mặt đường được đổ bê tông là 3,5m và có hạng mục thi công cầu cứng qua sông Dong. Cùng với đó là việc nắn các khúc cua nên việc ảnh hưởng tới nhiều đất và các công trình của người dân. Nhưng khi được vận động, phần lớn người dân đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình để cho đơn vị thi công thực hiện dự án. Bà Triệu Thị Hoa vui mừng cho biết: Gia đình tôi có gần 1 mẫu chè thì hiến tới 6 sào. Mặc dù ảnh hưởng lớn tới kinh tế gia đình, nhưng đem lại nhiều lợi ích người dân trong xóm. Không chỉ riêng gia đình tôi mà hơn 20 hộ dân trong xóm và cả gia đình ở xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá cũng hiến rất nhiều đất và tài sản trên đất…
Có mặt tại công trường, chúng tôi thấy, đơn vị thi công đang tập trung nhiều phương tiện, thiết bị triển khai xây dựng cầu cứng qua sông Dong, các cống gầm trên tuyến đường. Bà Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Minh Trâm (đơn vị thi công tuyến đường) cho biết: Giải phóng mặt bằng là khâu khó khăn đối nhiều dự án, nhưng với Dự án làm đường vào xóm Khuân Nang thì căn bản đã hoàn thành. Nhờ đó, công trình được triển khai đúng tiến độ, đến nay chúng tôi đã thi công được khoảng 40% khối lượng công trình. Nếu thời tiết thuận lợi chúng tôi sẽ tập trung phương tiện, máy móc để cố gắng hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 7 tới…
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường Tràng Xá - Liên Minh sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cho người dân 2 xóm Tân Thành (Tràng Xá) và Khuân Nang của xã Liên Minh. Và điều đáng quý là tinh thần, trách nhiệm của người dân 2 xã trên khi vượt qua điều kiện, hoàn cảnh để hiến đất, tài sản trên đất với giá trị lớn vì lợi ích chung sẽ là tấm gương sáng để người dân ở các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh học tập…