Trước kia, hầu hết các tuyến đường giao thông ở xã Văn Hán (Đồng Hỷ) đều là đường đất, đi lại khó khăn. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng với việc địa phương tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông của xã Văn Hán đã có những đổi thay đáng kể.
Còn nhớ trước đây, mỗi lần đến xã Văn Hán, đôi cánh tay của chúng tôi đều cảm thấy mỏi nhừ vì phải ghì chặt lấy chiếc xe máy khi đi trên những tuyến đường đất lồi lõm những "ổ trâu, ổ gà" để không bị ngã. Nhưng bây giờ phần lớn các tuyến đường liên xã, trục xã dẫn vào Văn Hán đều được trải nhựa hoặc bê tông hóa, việc đi lại đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Chưa vội rẽ vào UBND xã, chúng tôi cho xe chạy thẳng đến xóm Cầu Mai. Đây vốn là xóm sâu, xa nhất, cách đây 2 năm vẫn chưa có mét đường bê tông nào. Đón chúng tôi ở ngay đầu xóm, ông Hoàng Văn Trung, Trưởng xóm Cầu Mai phấn khởi cho biết: Xóm có 2 tuyến đường trục chính thì một tuyến vừa được làm bê tông cuối năm ngoái với tổng chiều dài gần 1,5km. Công trình này đã phần nào làm thỏa lòng mong ước của người dân nơi đây bởi trước kia đường chưa được làm, mỗi lần muốn bán nông sản, bà con đều phải vận chuyển trên những đoạn đường “nắng bụi, mưa lầy” để đem ra trung tâm xã. Mỗi lần đi lại như thế đều tốn rất nhiều thời gian, xăng xe, công đi lại… sau khi trừ chi phí đi chẳng còn được lãi bao nhiêu. Thương lái thì hầu như không vào xóm thu mua với lý do đường nhỏ, khó đi và có nhiều đoạn suối vắt ngang đường nên xe ô tô khó vào.
Được biết, xóm Cầu Mai có 209 hộ, 100% số hộ đều sống nhờ vào việc trồng chè, trồng rừng nên bà con nơi đây luôn mong có đường giao thông thuận tiện. Bởi thế, ngay từ khi xóm triển khai kế hoạch làm đường bê tông, đa số người dân đều đồng tình ủng hộ, nhất là 29 gia đình được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến đường đều sẵn sàng hiến đất với quan điểm: Đơn vị thi công cần mặt bằng đến đâu, bà con lùi đất vào đến đó. Tính đến khi công trình hoàn thành, xóm có 13 hộ dân tham gia hiến đất với tổng diện tích 5.200m2. Bà Lường Thị Luyện, một hộ dân trong xóm tham gia hiến gần 200m2 đất cho biết: Tôi thấy việc gia đình hiến đất làm đường đã góp phần đem lại nhiều lợi ích cho xóm. Trước kia, có khi cả tháng tôi mới ra chợ trung tâm xã một lần vì đường khó đi. Bây giờ thì hầu như phiên chợ nào trong tháng tôi cũng đem chè khô ra đó bán, ô tô của thương lái cũng vào đến tận nhà dân để thu mua.
Rời xóm Cầu Mai, chúng tôi đến xóm Hòa Khê 1, tuy không phải là xóm xa trung tâm xã nhưng đường sá đi lại cũng khá khó khăn. Năm 2016 những mét đường bê tông đầu tiên ở xóm mới được hình thành. Những ngày thi công đường, bà con trong xóm ai nấy đều phấn khởi hưởng ứng bằng nhiều việc làm thiết thực như hiến đất, đóng góp ngày công lao động… Những người vui nhất có lẽ là cô và trò của Phân trường Hòa Khê 1 thuộc trường Tiểu học số 2 Vân Hán bởi theo như chị Nguyễn Thị Thơm, giáo viên phụ trách Phân trường này cho biết thì: Trước khi con đường này được làm, các cô giáo và 80 em học sinh đang theo học ở đây ngày nào cũng phải đi trên con đường nhỏ như bờ ruộng để đến trường, ngày nắng còn đỡ vất vả, ngày mưa thì con đường trơn trượt, cả cô và trò đều phải dò dẫm từng bước đi để không bị ngã. Thậm chí những hôm mưa to, lũ về qua con suối nằm vắt ngang đường, các em học sinh phải nghỉ học vì không qua được. Bây giờ, có đường bê tông rộng rãi, đường đến trường của cô và trò đã thuận tiện hơn. Đặc biệt, ở đoạn đường có suối chảy qua, người dân trong xóm và một số tổ chức từ thiện đã đóng góp gần 100 triệu đồng để làm đập tràn qua đó.
Chúng tôi trở lại UBND xã Văn Hán để tìm hiểu thêm về việc làm đường giao thông ở đây và được ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đây là một trong những xã khó khăn, thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Đồng Hỷ. Địa bàn xã khá rộng, tổng đường giao thông các loại có gần 200km, hầu hết là đường đồi núi, dân cư ở thưa thớt nên việc bê tông hóa đường giao thông ở đây gặp khó khăn hơn những địa phương khác rất nhiều. Do đó, để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thì từ khi triển khai, tiêu chí giao thông được xã xác định phải thực hiện song song cùng với những tiêu chí khác. Có như vậy mới đưa xã “về đích” được trong thời gian sớm nhất. Để các xóm có sẵn mặt bằng khi được hỗ trợ làm đường, xã Văn Hán đã xây dựng bản cam kết về hiến đất làm đường gửi về các xóm, đồng thời đề nghị chính quyền xóm lập danh sách các hộ dân và vận động bà con ký vào bản cam kết. Vì thế công tác giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông ở đây diễn ra khá suôn sẻ. Đến nay, đa số người dân ở tất cả 17 xóm trên địa bàn xã đều đã đồng ý hiến đất làm đường. Toàn xã Văn Hán có gần 2.700 hộ dân, trong 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã có trên 700 hộ tham gia hiến đất với tổng số hơn 84.000m2 để mở rộng các tuyến đường giao thông.
Xã Văn Hán hôm nay đã dần khởi sắc, những con đường được tạo nên từ sự đoàn kết nhất trí đồng lòng đã góp phần không nhỏ vào những thay đổi này. Hiện nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; trên 73% các tuyến đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 23 triệu đồng/năm, tăng hơn 3 triệu đồng so với 2015… Tin rằng, trong thời gian tới, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền xã và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân sẽ có thêm nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư xây dựng, góp phần để Văn Hán hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đúng năm 2019 như dự kiến.