Nghiêm túc xem xét khi dư luận lên tiếng

07:41, 14/03/2017

Việc nhà đầu tư BOT tiến hành xây dựng Trạm thu phí giao thông và công bố thời gian, mức phí trên tuyến Quốc lộ 3 cũ, đoạn qua địa phận huyện Phú Lương đang khiến dư luận “nóng” lên. Nhiều người cho rằng, việc nhà đầu tư chỉ cải tạo, sửa chữa một số đoạn mà tiến hành lập trạm thu phí cả tuyến đường mà người dân đã đi lại từ nhiều năm nay là chưa hợp lý. Để hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc khảo sát thực tế và trao đổi với cơ quan hữu quan.

Tiếng nói từ cơ sở

 

Từ khi biết nhà đầu tư BOT xây dựng trạm thu phí tại điểm dưới ngã Ba Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương), anh Trần Mạnh Tưởng, chủ cửa hàng bánh chưng Hương Liên cũng giống như hàng chục thành viên khác trong Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu không khỏi băn khoăn, lo lắng. Anh Tưởng nói: Tôi không phản đối việc thu phí nhưng thu phải hợp lý, đúng quy định. Tuyến Quốc lộ 3 cũ đoạn qua Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu không được sửa chữa, nâng cấp mà bà con vẫn phải nộp phí như bình thường là vô lý. Nhà tôi có 2 đứa con, mỗi tuần phải đưa đi học thêm ở T.P Thái Nguyên ít nhất 3 buổi, cả đi và về là 6 lượt, vị chi phải nộp phí 210.000 đồng/tuần. Làng nghề bánh chưng đang gặp khó khăn về thị trường giờ lại thêm tác động xấu từ thu phí đường bộ, chắc lại càng khó khăn hơn.

 

Còn chị Nguyễn Thị Mai Hiền, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương có nhà ở T.P Thái Nguyên phải đi đi về về trong ngày thì chia sẻ: Nếu thu phí theo lượt thì một ngày tôi phải nộp tới 70 nghìn đồng, cộng lại cả tháng tiền phí đã chiếm tới già nửa lương tháng của tôi. Tôi đề nghị chính quyền và các cơ quan, đơn vị liên quan quan tâm để có sự điều chỉnh hợp lý giúp người dân yên tâm.

 

Một số lái xe ô tô khách khi được hỏi đều tỏ thái độ không hài lòng về quyết định đặt trạm thu phí ở tuyến đường mà bao năm nay người dân vẫn đi. Anh Chu Quang Minh, tài xế xe khách của Công ty cổ phần Vận tải Thái Nguyên tâm sự: Việc thu phí ở tuyến Quốc lộ 3 cũ là vô lý bởi nhà đầu tư chỉ sửa chữa, cạp lại. Còn anh Nguyễn Văn Tiệp, lái xe chạy tuyến Bắc Ninh - Định Hóa bày tỏ quan điểm: Ngày nào tôi cũng chạy xe cả đi và về 2 lượt trên tuyến đường này. Nếu thu phí 50 nghìn đồng/lượt thì mỗi ngày tôi sẽ phải nộp 100 nghìn đồng và một tháng khoảng 3 triệu đồng.

 

Là các đơn vị hoạt động vận tải lâu năm, hiện Công ty CP Thương mại Vận tải và Du lịch Khánh Thịnh và Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan đang có khoảng 150 lượt xe buýt, xe khách hợp đồng qua lại tuyến Quốc lộ 3 cũ đoạn qua địa phận huyện Phú Lương. Ông Lương Văn Thưởng, Giám đốc Công ty CP Thương mại vận tải và Du lịch Khánh Thịnh kiến nghị, cần phải rà soát lại quy trình cho phép nhà đầu tư BOT đặt trạm thu phí tại đây. Trong đó, chỉ rõ mức độ cải tạo, nâng cấp tuyến đường như thế nào mới cho phép lập trạm. Lãnh đạo Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan thì cho rằng, trong khi các xe đều đóng tiền bảo trì đường bộ, khi qua đây lại tiếp tục đóng phí, như vậy sẽ là phí chồng phí. Thay mặt cho Hiệp hội vận tải của tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch cho biết, Hiệp hội sẽ họp Ban Chấp hành mở rộng và chính thức gửi văn bản kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xung quanh vấn đề này.

 

Bản chất của vấn đề

 

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương khẳng định: Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới là hết sức cần thiết, xuất phát từ việc tuyến Quốc lộ 3 cũ đã quá tải, mặt đường hẹp, việc lưu thông khó khăn, gây cản trở quá trình thu hút đầu tư của các địa phương liên quan. Dự án có tổng đầu tư lên tới trên 2.700 tỷ đồng, nên việc sử dụng ngân sách Nhà nước để triển khai là khó khả thi và ít hiệu quả. Do đó, việc đầu tư tuyến đường theo hình thức BOT đã chính thức được áp dụng. 

 

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT), ông Trương Văn Phụng, sở dĩ, nhà đầu tư đặt trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 3 cũ là vì trước khi tiến hành đầu tư xây dựng tuyến mới, họ đã tiến hành khảo sát lượng xe lưu thông, căn cứ vào đó để tính toán xem việc đầu tư có khả thi hay không. Tuy nhiên, phương án ban đầu nếu chỉ thu phí tuyến đường mới thì việc hoàn vốn sẽ khó khăn bởi các phương tiện sẽ lựa chọn đi tuyến khác để không mất phí. Do đó, các bộ, ngành liên quan đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện Dự án với hai hạng mục chính: Xây dựng một tuyến đường mới từ Thái Nguyên đi Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng một đoạn tuyến Quốc lộ 3 cũ từ km 75 đến km 100. Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến thống nhất về mức thu và việc thu phí trên cả tuyến mới và tuyến cũ. Theo phương án tài chính của nhà đầu tư, phải thu phí cả hai bên mới đảm bảo trong khoảng thời gian 16 năm 1 tháng mới đủ hoàn vốn. Và thực tế, phương án này được duyệt thì Dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới mới triển khai thực hiện được.

 

Lúc đầu, theo đề nghị của tỉnh, Trạm thu phí Quốc lộ 3 cũ đặt tại km 82 (tức là điểm trên ngã Ba Bờ Đậu), nhưng khi tính toán lưu lượng giao thông cả hai tuyến vẫn không đủ để hoàn vốn (thiếu khoảng 1.400 tỷ đồng) trong khoảng thời gian theo quy định, nên nhà đầu tư đã trình xin ý kiến thống nhất giữa Bộ GT-VT và tỉnh Thái Nguyên cho phép đặt trạm thu phí tại km 77 (điểm dưới ngã Ba Bờ Đậu) để “đón” toàn bộ lượng xe đi lại trên tuyến Quốc lộ 37 (đoạn từ ngã Ba Bờ Đậu đi huyện Đại Từ, sang tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang). Đổi lại, Bộ GT-VT bố trí kinh phí sửa chữa, thảm lại mặt đường Quốc lộ 37 đoạn từ Bờ Đậu đến Đèo Khế để thuận cho việc thu phí (đã thực hiện năm 2015).

 

Và những đề xuất

 

Ông Trương Văn Phụng cũng khẳng định, việc đặt trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 3 cũ chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến người dân và thực tế thời gian gần đây đã làm “nóng” dư luận. Tuy nhiên, việc cho dừng thu phí trên tuyến Quốc lộ 3 cũ là điều khó thực hiện ngoại trừ Nhà nước sử dụng ngân sách cấp đổi cho nhà đầu tư để họ có thể thu hồi vốn như tính toán ban đầu (với mức cấp đổi không dưới 1.000 tỷ đồng). Ông Phụng cũng cho hay, nhà đầu tư BOT bỏ tiền đầu tư và tiến hành thu phí hoàn vốn là điều dễ hiểu. Những bất hợp lý khi đặt trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 3 cũ một phần là do các cơ quan Nhà nước tính toán chưa hết.

 

Trả lời câu hỏi, nhà đầu tư BOT chỉ dành hơn 80 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 3 cũ mà lại tiến hành lập trạm thu phí với mức thu tương đương tuyến đường mới làm, ông Trương Văn Phụng khẳng định đây cũng là điều chưa hoàn toàn hợp lý.

 

Trước ý kiến kiến nghị của người dân và phản ánh của báo chí, ngay lập tức đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản yêu cầu Sở GT-VT xem xét và tham mưu phương án giải quyết. Sau khi nghiên cứu và làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan, để tạo công bằng, Sở GT-VT đã tham mưu với tỉnh tiếp tục có ý kiến đề nghị Bộ GT-VT chỉ đạo nhà đầu tư đề xuất giảm mức phí tại tuyến Quốc lộ 3 cũ xuống bằng 50% hoặc 70% so với mức phí đã công bố. Ví dụ, với mức phí thấp nhất sẽ không còn thu 35 nghìn đồng mà giảm xuống còn 15 đến 20 nghìn đồng/lượt. Mặt khác, có chính sách miễn hoặc giảm ở mức phù hợp đối với người dân đang làm việc và sinh sống gần khu vực trạm thu phí có phương tiện giao thông thường xuyên qua lại. Sau đó, báo cáo với Bộ Tài chính, ngân hàng cung cấp tín dụng và trình Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh phù hợp. Được biết, huyện Phú Lương cũng đang có lịch làm việc với đại diện Bộ GT-VT và nhà đầu tư để bàn thêm các phương án giải quyết phù hợp.

 

Ở thời điểm này, những đề xuất của Sở GT-VT là tích cực và phần nào giải quyết những lo lắng của người dân, song theo chúng tôi nếu vẫn tồn tại trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 3 cũ thì một bộ phận người dân, nhất là trường hợp thường xuyên phải đi lại trên tuyến Quốc lộ 3 cũ sẽ tính đến các phương án tránh trạm thu phí. Từ đó, nhiều khả năng, một số tuyến đường vốn đã nhỏ hẹp tới đây sẽ trở nên quá tải, tắc nghẽn. Cụ thể như tuyến đường Cù Vân - An Khánh nối từ Quốc lộ 37 ra đến xã Phúc Hà của T.P Thái Nguyên; tuyến đường Đại Từ đi hồ Núi Cốc - Thịnh Đán; tuyến đường tắt Giang Tiên - Sơn Cẩm vòng qua đằng sau trạm thu phí và một số tuyến đường liên xã khác.