Tính đến thời điểm này, dù tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và Quốc lộ 3 (đoạn thuộc địa phận huyện Phú Lương) chưa đưa vào thu phí nhưng đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đặt trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 3; mức phí thu cao, người dân địa phương có chế độ ưu tiên như nào?... Để làm rõ hơn những thắc mắc của người dân, phóng viên báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, người đại diện cho chủ đầu tư của Dự án.
P.V: Thưa ông, thời gian qua, đã có nhiều ý kiến thắc mắc tại sao nhà đầu tư lại lắp đặt trạm và sẽ tiến hành thu phí tại tuyến Quốc lộ 3 vào đầu tháng 4 tới, trong khi từ nhiều năm qua người dân vẫn đi lại mà không phải nộp phí? Việc thu phí này có đúng với quy định không và được thực hiện như thế nào?
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 có tổng chiều dài 65km. Trong đó, tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới có chiều dài gần 40km. Dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT do Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 - CTCP (Cienco4), Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Trường Lộc Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư trên 2.700 tỷ đồng. |
Ông Phạm Minh Đức: Hạng mục cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 nằm trong Dự án Đầu tư xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới. Đây là Dự án được Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh và chuyển giao). Tức là, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn để xây dựng, tiếp đó tiến hành thu phí để hoàn lại nguồn vốn đã bỏ ra. Trong khoảng thời gian nhất định, khi nhà đầu tư hoàn vốn sẽ chuyển giao lại cho Nhà nước quản lý. Ở cả hai tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và Quốc lộ 3, nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 2.700 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa, nâng cấp. Tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới được xây mới hoàn toàn với chiều dài gần 65km với tiêu chuẩn đường rộng 12m, hai làn đường; còn ở tuyến Quốc lộ 3 đã được cải tạo, nâng cấp 25km đoạn nối từ đường tròn Tân Long (T.P Thái Nguyên) đến đường ĐT268 đoạn thuộc xã Yên Đổ (Phú Lương). Do đó, việc đặt trạm thu phí ở 2 tuyến nhằm mục đích thu lại nguồn vốn mà nhà đầu tư đã bỏ ra.
P.V: Nhiều ý kiến cho rằng, mức phí thu như đã thông báo ở các trạm (từ 35.000 đến 200.000 đồng/lượt tùy tải trọng xe) là cao, ông nói gì về vấn đề này?
Ông Phạm Minh Đức: Như đã nói ở trên, việc thu phí nhằm mục đích để nhà đầu tư hoàn vốn. Còn mức phí thu bao nhiêu đều phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Mức phí này đã được Bộ Tài Chính ban hành ở Thông tư số 175/2016/TT-BTC về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Theo đó, ở cả hai trạm đều có cùng mức thu, trong đó, xe thấp nhất (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) là 35.000 đồng/lượt và cao nhất là 200.000 đồng/lượt (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit); xe máy không thu phí. Vé tháng, vé quý có tác dụng giảm chi phí cho người qua trạm thường xuyên. Người mua vé tháng trả bằng phí 1 lượt/ngày nhưng có thể qua lại nhiều lần không mất phí.
P.V: Dư luận thắc mắc, tại sao ở tuyến Quốc lộ 3 chỉ cải tạo, nâng cấp mà mức phí thu lại giống như tuyến xây mới Thái Nguyên - Chợ Mới? Phải chăng, nhà đầu tư lo lắng nếu thu phí ở tuyến cũ thấp hơn sẽ không có phương tiện nào đi trên tuyến mới?
Ông Phạm Minh Đức: Mức thu, thời gian thu phí ở các trạm như nào đều được các cơ quan có thẩm quyền là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xem xét phê duyệt với mục tiêu cuối cùng là để nhà đầu tư hoàn lại được nguồn tiền đã bỏ ra. Trường hợp, nếu phí thu cao thì thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư sẽ nhanh và ngược lại, mức thu thấp đồng nghĩa với việc phải kéo dài thêm thời gian thu phí. Ở Dự án này, căn cứ vào lưu lượng xe lưu thông, sự tăng trưởng của xe theo từng năm với mức phí quy định như hiện nay thì thời gian cho phép thu đang được tính là 16 năm 1 tháng. Nếu mức phí được điều chỉnh tăng cao hơn quy định cùng với lưu lượng xe lưu thông tăng nhanh thì khả năng hoàn vốn sẽ nhanh, khi đó, việc chuyển giao tuyến cho Nhà nước quản lý sẽ sớm hơn thời gian dự kiến. Nói như vậy, có nghĩa, mức thu và thời gian thu phí không do nhà đầu tư tự ý quy định hoặc điều chỉnh mà phải dựa trên các quy định của Nhà nước, được sự đồng ý của các Bộ, ngành liên quan mới triển khai thực hiện.
P.V: Những trường hợp nào được ưu tiên không thu phí khi qua trạm, thưa ông?
Ông Phạm Minh Đức: Ngày 15-11-2016, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh (do Bộ Giao thông Vận tải quản lý), những đối tượng được miễn giá sử dụng dịch vụ đường bộ (điều 4), gồm: xe cứu thương; các loại xe khác đang chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu; xe cứu hỏa; xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp; xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng; xe chuyên dùng phục vụ an ninh; đoàn xe có hộ tống, dẫn đường; đoàn xe đưa tang…
P.V: Thưa ông, đối với người dân ở địa phương (tức người dân thuộc địa phận hoặc giáp ranh trạm thu phí), cụ thể là bà con ở các xã: Sơn Cẩm, Cổ Lũng có được ưu tiên miễn, giảm phí thu không?
Ông Phạm Minh Đức: Đây là câu hỏi mà chúng tôi nhận được nhiều qua các kênh thông tin trong thời gian qua. Như đã nói ở trên, các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh mà do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đã quy định rất rõ những đối tượng được miễn giá sử dụng dịch vụ, ngoài ra vẫn phải thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến của người dân, chúng tôi đang xây dựng phương án trình Liên danh các nhà đầu tư Dự án, nếu được chấp thuận sẽ phải trình các Bộ, ngành liên quan. Nội dung cụ thể như nào chúng tôi sẽ thông tin sau. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung đẩy nhanh xây dựng trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 3 để kịp tiến độ cho thu phí vào đầu tháng 4 này.
P.V: Xin cảm ơn ông!