Ngày 17/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức hội thảo chính sách "Liên kết công ty - Hộ trồng rừng: Tăng cơ hội, giảm rủi ro cho phát triển bền vững". Đây là dịp để các bên cùng nhau thảo luận, chia sẻ những nguyên nhân, hạn chế; đưa ra hướng giải pháp giúp ngành chế biến gỗ phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cho biết: Phát triển rừng trồng có vai trò hết sức quan trọng đối với ngành chế biến đồ gỗ và dăm xuất khẩu của Việt Nam. Sản lượng gỗ rừng trồng trong nước khai thác hàng năm đạt khoảng 16 triệu mét khối. Khoảng 80% nguồn gỗ này là gỗ có đường kính nhỏ, được sử dụng làm nguyên liệu dăm và MDF (loại dăm được làm từ composite); 20% còn lại được sử dụng sản xuất các sản phẩm đồ gỗ, chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Các thị trường như Hoa Kỳ, EU có những đòi hỏi chặt chẽ về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào dùng để sản xuất các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Nhu cầu của các thị trường này đang không ngừng gia tăng. Vì vậy, nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng ngày càng được ưa chuộng; là một trong những nguồn cung quan trọng cho ngành gỗ.
Để duy trì nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, ổn định, mô hình liên kết giữa các công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ gia đình trồng rừng đã được hình thành và đang trên đà phát triển. Liên kết này dựa trên niềm tin rằng nguồn lực của các bên tham gia sẽ được tối đa hóa. Cụ thể, công ty chế biến có tiềm lực về vốn đầu tư, kỹ thuật, công nghệ, trình độ quản lý và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm; các hộ dân có nguồn đất trồng rừng và lao động.
Tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung phản ánh thực trạng, đánh giá cơ hội và rủi ro liên quan đến các mô hình liên kết này; thảo luận về các khía cạnh chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên rừng, đất rừng theo hướng bền vững trong tương lai; nguyên nhân hạn chế còn tồn tại; đưa ra hướng giải pháp để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững. Có ý kiến cho rằng, giao đất cho các hộ đã và đang đem lại lợi ích quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển rừng trồng góp phần làm tăng độ che phủ rừng, cải thiện sinh kế cho nhiều hộ nghèo và đồng bào dân tộc; đồng thời tạo nguồn cung gỗ nguyên liệu cho thị trường.
Một số ý kiến đồng nhất với quan điểm, đất lâm nghiệp nên giao cho các công ty lâm nghiệp, bởi đây là nhóm có năng lực sản xuất tốt, vốn và trình độ kỹ thuật. Trong khi đó năng lực sản xuất của các hộ thấp, thiếu nguồn lực đầu vào về vốn, còn nhiều hạn chế về trình độ thâm canh, sản xuất nhỏ lẻ nên chi phí giao dịch cao... nên đất giao cho các hộ gia đình sử dụng không hiệu quả.
Đất lâm nghiệp là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, đặc biệt ở các vùng núi, nơi có tỉ lệ đói nghèo còn cao. Trong hai thập kỷ trở lại đây, Chính phủ đã thực hiện giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, công ty lâm nghiệp nhà nước, một số công ty tư nhân và cộng đồng. Khoảng 1,4 triệu hộ được giao 3.146 triệu ha đất lâm nghiệp và 134 công ty Nhà nước được giao 1,454 triệu ha.
Tại Việt Nam, mô hình liên kết phát triển rừng trồng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là một mô hình điển hình giữa công ty chế biến gỗ và các hộ trồng rừng miền núi. Trong liên kết này, các công ty chuyên chế biến sản phẩm gỗ cho Tập đoàn IKEA như Công ty CP XNK Gỗ Nam Định (NAFOCO), Công ty Woodsland đã liên kết với các hộ có nguồn rừng trồng tại các tỉnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Trị nhằm phát triển rừng trồng gỗ lớn, đạt chứng chỉ FSC; tạo nguồn cung gỗ nguyên liệu cho các công ty để sản xuất sản phẩm cho Tập đoàn IKEA (gọi tắt là liên kết IKEA).