Tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng

10:14, 24/04/2017

Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được xác định là một quá trình thường xuyên, liên tục. Trong đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ trở thành một trong những công cụ tham gia sâu hơn vào quá trình này.

Quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Quyết định số 254/QĐ-TTg giai đoạn 2011 - 2015 đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD được xác định là quá trình thường xuyên, liên tục. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo và triển khai quyết liệt, toàn diện, xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém theo nguyên tắc thị trường, có trật tự và quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Để chuẩn bị cho việc xử lý một TCTD nào đó có nguy cơ phá sản, Nhà nước, NHNN cũng quy định và chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp, trong đó Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã và sẽ tiếp tục là một trong những công cụ tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, nhất là các Quỹ tín dụng nhân dân.

 

Để thực hiện Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) cũng như công tác phòng ngừa rủi ro và cảnh báo sớm, BHTGVN thực hiện thường xuyên việc giám sát từ xa tất cả các tổ chức tham gia BHTG; kiểm tra tại chỗ trung bình hằng năm hơn 400 lượt tổ chức tham gia BHTG; hằng tháng, quý, năm đều có báo cáo kiểm tra, giám sát, hoặc kiểm tra đột xuất các TCTD yếu kém có dấu hiệu rủi ro hoặc vi phạm quy định, để kiến nghị, báo cáo NHNN có biện pháp xử lý kịp thời. BHTGVN cũng cử người tham gia Ban kiểm soát đặc biệt tại một số TCTD theo chỉ đạo của NHNN, từ đó có thể nắm chắc tình hình hoạt động, các số liệu về tiền gửi để chủ động đáp ứng chi trả BHTG cho người gửi tiền trong trường hợp các TCTD lâm vào tình trạng rủi ro, phá sản, nhằm bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền.

 

Ngoài những nhiệm vụ trên đây, hoạt động tuyên truyền là công cụ đắc lực hỗ trợ việc đưa Luật BHTG vào đời sống, qua đó góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng; từng bước áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, xây dựng BHTGVN ngày càng lớn mạnh về quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng trong mạng ổn định tài chính.

 

BHTGVN xác định trong giai đoạn này sẽ thực hiện truyền thông đa dạng tới nhiều đối tượng khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến người gửi tiền tại các Quỹ tín dụng nhân dân và cán bộ tại các quỹ này, người gửi tiền ở vùng sâu, vùng xa.

 

Trong giai đoạn tái cơ cấu các TCTD, công tác truyền thông của BHTGVN cần tập trung hướng tới đối tượng người gửi tiền tại các Quỹ tín dụng nhân dân; tăng cường kết nối phối hợp truyền thông với NHNN và các tổ chức tín dụng, cơ quan báo chí, các cơ quan giám sát tài chính; tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHTG cũng như kiến thức, kỹ năng tài chính nói chung nhằm góp phần giữ niềm tin của người gửi tiền, ổn định hệ thống các TCTD; xây dựng và phát triển hình ảnh tổ chức BHTGVN.

 

Việc lồng ghép tuyên truyền chính sách BHTG tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tiếp xúc cử tri do các cơ quan, đoàn thể địa phương tổ chức, hay tại Đại hội thành viên của các Qũy tín dụng nhân dân là hoạt động hiệu quả, đưa chính sách đến gần với người dân và ngày càng lan tỏa sâu rộng, tạo niềm tin của công chúng và người gửi tiền, tạo điều kiện cho các TCTD, nhất là Quỹ tín dụng nhân dân trong công tác huy động vốn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế địa phương.