Chiều 6/5, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới đã duyệt khoản tín dụng trị giá gần 315 triệu USD nhằm cải thiện hệ thống giao thông đường thuỷ phía Bắc, các công trình giao thông, vệ sinh môi trường một số thành phố ven biển miền Trung Việt Nam.
Trong đó, 236 triệu USD (gồm 190 triệu USD từ nguồn Hiệp hội Phát triển Quốc tế và 46 triệu USD từ nguồn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế cấp) sẽ dành cho dự án bền vững môi trường các thành phố ven biển Việt Nam. Dự án được thực hiện tại các thành phố ven biển gồm: Đồng Hới, Quy Nhơn, Nha Trang và Phan Rang – Tháp Chàm với tổng số đối tượng hưởng lợi vào khoảng 1,1 triệu người.
Các khoản đầu tư trong dự án này sẽ tập trung vào các lĩnh vực phòng chống ngập lụt; cải tạo hệ thống thoát và thu gom nước thải; xây dựng nhà máy xử lý nước thải; xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh công cộng, trong trường học; lập quỹ quay vòng xây dựng đường nước thải từ các gia đình đến hệ thống chung; quản lý chất thải rắn. Dự án sẽ cải tạo các đoạn đường, cầu ưu tiên dọc các con song, kênh thoát nước. Qua đó góp phần tăng cường kết nối giao thong, giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông. Dự án sẽ giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan về thể chế, tăng cường tính bền vững.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: “Việt Nam đang trong quá trình đô thị hoá nhanh chóng nên rất cần một giải pháp đồng bộ cho các vấn đề giao thông, cấp nước, vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường. Ngân hàng Thế giới sẽ tích cực hợp tác với Việt Nam nhằm thực hiện các giải pháp một cách hiệu quả và tiết kiệm.”
Khoản 78,74 triệu USD còn lại là khoản tín dụng nguồn Hiệp hội Phát triển Quốc tế cấp thêm cho dự án Phát triển Giao thông vùng Đồng bằng Bắc bộ. Khoản tín dụng này nhằm xây dựng một con kênh mới nối sông Đáy với sông Ninh Cơ, gồm một bến tàu, nhằm cải thiện vận chuyển hàng qua cảng Ninh Phúc, cảng giao thông đường thủy chính trong khu vực Ninh Bình. Con kênh mới dự kiến sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế, giảm chi phí logistics, góp phần giảm nhẹ rủi ro biến đổi khí hậu nhờ giảm phát thải khí nhà kính trong vận chuyển hàng hoá.
Cùng với các công trình đầu tư trong lĩnh vực đường thuỷ nội địa khác trong dự án, kênh sông Đáy – Ninh Cơ sẽ là mắt xích cuối cùng trong dự án nhằm tạo tuyến đường giao thông có thể phục vụ tàu biển qua lại giữa sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc. Với tuyến giao thông mới này, tàu 3.000 tấn có thể đi lại bất cứ lúc nào. /.