Siết chặt quản lý đầu tư khu đô thị, khu dân cư

08:06, 17/05/2017

Phải thừa nhận ở tỉnh ta có thời điểm việc đầu tư các khu đô thị, khu dân cư (KĐT, KDC) mới trở thành hội chứng và phản ứng dây chuyền. Do đó, mới có chuyện các doanh nghiệp ngoài ngành cũng đổ xô đi xin cấp phép xây dựng KĐT, KDC. Điều đáng nói là việc quản lý, đầu tư các KĐT, KDC một thời gian dài ở tỉnh ta gần như bị buông lỏng, nặng cơ chế “xin cho”. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ chính thức chấm dứt sau khi HĐND tỉnh thông qua Quy định một số nội dung về quản lý, đầu tư xây dựng dự án KĐT, KDC trên địa bàn.

Thời gian vừa qua, chúng ta được chứng kiến nhiều đơn vị, từ doanh nghiệp chuyên khai khoáng, luyện kim, đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước giải khát…cũng tham gia đầu tư xây dựng KĐT, KDC. Bởi vậy, gần đây một loạt dự án đầu tư lĩnh vực này bị đề nghị thu hồi do không triển khai, khiến hàng nghìn héc ta đất quy hoạch xong bỏ không, gây lãng phí.

 

Được quy hoạch chi tiết và chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2011, với diện tích gần 200 ha tại phường Tân Lập, nhưng nhiều năm liền chủ đầu tư Dự án KĐT Thái Hưng vẫn không có một động thái nào triển khai dự án. Gần 400 hộ dân trong phường thuộc quy hoạch vùng dự án phải khóc dở, mếu dở vì quyền lợi bị ảnh hưởng. Mãi gần đây, nhận thấy nhà đầu tư không mặn mà, chủ yếu thực hiện mục tiêu chiếm chỗ, giữ đất, nên T.P Thái Nguyên đã đề nghị thu hồi dự án này.

 

Trường hợp khác, nhiều hộ dân thuộc phường Đồng Quang và phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) còn khổ hơn  khi 10 năm nay phải sống trong cảnh chờ chực để chuyển đến nơi ở mới vì đang sống trong vùng quy hoạch Dự án KĐT An Phú. Lý do, KĐT này được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không triển khai. Lãnh đạo UBND phường Tân Thịnh cho hay, các thông tin về dự án địa phương cũng không nắm rõ. Người dân khá bức xúc, chính quyền cơ sở không có thẩm quyền còn nhà đầu tư thì bặt vô âm tín suốt nhiều năm nay.

 

Trong khi T.P Thái Nguyên đang rất thiếu quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng thì vẫn còn khá nhiều dự án không khả thi, trong đó có thể kể đến Dự án Tổ hợp KĐT, biệt thự cao cấp, tòa nhà văn phòng cho thuê và khách sạn do Công ty cổ phần APEC làm chủ đầu tư. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tại phường Gia Sàng từ năm 2010, chủ đầu tư cũng cam kết hoàn thành dự án vào năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa thể kết thúc.

 

Một thực tế nữa là nhiều dự án KDC sử dụng ngân sách đầu tư nhưng không thể lấp đầy. Theo thống kê, toàn tỉnh vẫn còn cả nghìn lô đất trong các KDC mới vẫn bỏ trống do người dân không có nhu cầu sử dụng. Nhiều tỷ đồng đã được ném vào các KDC này để đầu tư hạ tầng nhưng vì chưa bán được nên vốn bị ứ đọng khó thu hồi. Trung tâm Phát triển Quỹ nhà, đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh là đơn vị được tỉnh giao đầu tư hạ tầng một số KDC. Thời điểm cuối năm ngoái, đơn vị này nợ gần 20 tỷ đồng do còn mấy chục lô đất chưa bán được. Trong đó có 11,2 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương ứng trước, còn lại là vốn vay.

 

Thực tế cho thấy, một thời gian dài, việc xin cấp phép đầu tư các dự án KĐT, KDC còn dễ dàng, chế tài quản lý thiếu cụ thể, chặt chẽ. Từ đó dẫn đến những bất cập trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, thuê đất, giải phóng mặt bằng, kinh doanh bất động sản… Qua khảo sát thực tế tại một số KĐT, KDC đã hoàn thiện trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các trục đường chính và đường nhánh trong KĐT, KDC đều khá chật hẹp. Nhiều trục đường, xe ô tô con không thể tránh nhau khi có một chiếc xe khác đỗ bên lề đường. Không ít trường hợp xe ô tô phải đi lên cả vỉa hè mới có thể lách ra ngoài. Đối với trục đường nhánh thì việc hai xe ô tô con tránh nhau khi có ô tô khác đỗ lại dường như không thể. Thực tế này không chỉ xuất hiện ở các KĐT, KDC đã đầu tư cách đây nhiều năm mà còn ở cả một số KĐT, KDC mới nhất đang xây dựng tại T.P Thái Nguyên là Picenza, Đồng Bẩm... Mặt khác, một số dự án KĐT, KDC đang bị thiếu kết nối giao thông. Theo thống kê chưa đầy đủ thì trên địa bàn T.P Thái Nguyên đang có tới mấy chục KĐT, KDC được quy hoạch và xây dựng mới. Tuy nhiên, hiện không ít KĐT, KDC chưa thực hiện đúng quy hoạch ban đầu.

 

Hiện nay, trong bối cảnh xuất hiện quá nhiều KĐT, KDC được đầu tư mới, đòi hỏi công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, trong đó có xây dựng các KĐT, KDC trên địa bàn toàn tỉnh, phải được đặc biệt quan tâm. Gần đây, UBND tỉnh đã giao cho ngành chuyên môn xây dựng quy định cụ thể về quản lý, đầu tư các dự án KĐT, KDC trên địa bàn nhằm siết chặt công tác quản lý. Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh lần này, quy định trên được trình để xem xét thông qua. Theo các nhà chuyên môn, quy định này được xây dựng dù ngắn gọn nhưng khá đầy đủ, chặt chẽ và rõ ràng các hoạt động quản lý đầu tư KĐT, KDC. Trong đó, việc lựa chọn chủ đầu tư, lập quy hoạch chi tiết xây dựng, giải phóng mặt bằng, lập dự án, thẩm định phê duyệt, điều chỉnh dự án, quản lý thực hiện dự án, tiến độ, chất lượng dự án… đều được quy định rất cụ thể. Mặt khác, các quy định về xác định giá đất, tiền sử dụng đất, thuê đất, giải quyết các tồn tại, vướng mắc, nghiệm thu, chuyển giao công trình, dự án, bảo hành bảo trì và quản lý sau bàn giao… cũng được xây dựng chi tiết. Nếu quy định này được HĐND tỉnh thông qua và áp dụng, tin tưởng rằng trật tự trong hoạt động đầu tư các KĐT, KDC trên địa bàn tỉnh sẽ được lập lại.