Mùa mưa bão năm nay, người dân ở xóm Suối Đạo, xã Phủ Lý (Phú Lương) không còn lo lắng khi đi qua dòng sông Đu chảy qua địa phận của xóm. Bởi lẽ, cây cầu tre bắc qua sông trước đây nay đã được thay thế bằng cầu bê tông kiên cố được xây dựng bằng sự đóng góp của bà con trong xóm.
Xã Phủ Lý bị chia hai bởi dòng sông Đu với chiều dài hơn 4km, chạy dọc theo trục đường liên xã Phủ Lý - Hợp Thành. Con sông chảy qua địa phận của xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở đây về nguồn nước tưới để chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, việc chia cắt này lại khiến không các hộ dân sống ở đôi bờ khó khăn trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Để có đường đi lại, người dân ở đây đã dùng các cây tre để làm cầu bắc qua sông. Suối Đạo là một trong 7 xóm trên địa bàn của xã Phủ Lý có địa phận sông Đu chảy qua. Cuối năm 2015, người dân xóm Suối Đạo đã họp bàn, thống nhất cùng nhau đóng góp tiền, ngày công lao động để làm chiếc cầu bê tông với chiều dài hơn 20m, rộng hơn 2m để đi lại thuận tiện, an toàn.
Ông Ngô Hồng Phương, Trưởng xóm Suối Đạo, cho biết: Ước mơ về cây cầu vững chãi của bà con trong xóm có từ hàng chục năm nay, nhưng vì đời sống còn khó khăn nên bà con chưa có đủ tiền đóng góp để xây cầu. Vì thế mà lâu nay, bà con vẫn phải đi lại trên cây cầu tre tự làm với chiều rộng hơn 1m. Cầu được làm bằng tre, tuổi thọ ngắn nên năm nào bà con phải làm lại ít nhất một lần. Vào những năm có mưa bão lớn, nước dưới sông dâng cao cuốn trôi cầu thì phải làm tới 2-3 lần. Những lần như vậy, các hộ dân phía trong bị cô lập, học sinh phải nghỉ học đến khi cầu mới được dựng lại. Khi họp bàn xây cây cầu mới, xóm khái toán lên tới gần 100 triệu đồng, mỗi hộ phải nộp từ 2-5 triệu đồng. Số tiền như vậy là cao với nhiều hộ dân nên xóm quyết định làm từng hạng mục để chia nhỏ số tiền đóng góp mỗi đợt. Vì thế, trong khoảng 1 năm, cây cầu mới hoàn thành.
Bà Trần Thị Tám, một hộ dân trong xóm cho biết: Vì khó khăn trong việc đi lại nên cách đây 3 năm, gia đình tôi đã mua đất xây nhà ra gần trung tâm xã nhưng vườn, ao, chuồng đều ở bên kia sông. Những lần chở cám để chăn lợn, gà hay lúc xuất bán lợn rất vất vả, chúng tôi phải khênh từng con lợn qua cầu bán cho tư thương. Nhưng khi có cầu mới thì xe ô tô nhỏ có thể đi qua rất thuận tiện.
Để giảm chi phí xây dựng, người dân xóm Suối Đạo đã cùng nhau bỏ ngày công tự làm. Ông Ngô Hồng Phương cho biết thêm: Chúng tôi chia làm 3 giai đoạn để làm cây cầu này. Giai đoạn đầu, xóm xây dựng mố cầu bên kia sông trước. Làm hạng mục này rất khó vì phải lựa vào thời điểm nước sông cạn mới đổ được bê tông dưới lòng sông. Cuối năm 2015, thời điểm mùa khô nên sau khi bà con đồng ý, xóm phải tiến hành làm luôn. Năm 2016, xóm tiếp tục thu tiền của bà con để làm nốt mố trụ còn lại và làm một phần mặt cầu. Năm nay, chúng tôi sẽ vận động bà con đóng góp thêm tiền làm nốt phần mặt cầu còn lại và lan can cầu cho an toàn.
Trao đổi về việc làm cầu ở xóm Suối Đạo, ông Hoàng Thanh Đóa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phủ Lý là xã có nhiều cầu tạm nhất của huyện Phú Lương (7 chiếc). Nhiều năm qua, bà con ở các xóm trên đã đề nghị hỗ trợ kinh phí xây mới những cây cầu này, song do cấp trên chưa bố trí được kinh phí nên không thực hiện được. Việc người dân ở xóm Suối Đạo tự đóng góp tiền của, công sức làm cầu rất đáng khích lệ. Đây cũng là xóm đầu tiên trên địa bàn xã đã huy động được sức dân, đồng lòng, đoàn kết để làm cây cầu mới, thuận tiện đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.