Chủ đầu tư đề nghị thanh lý hợp đồng BOT

09:41, 14/07/2017

Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông 2 công ty là doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh thực hiện hợp đồng theo hình thức xây dựng – kinh doanh - chuyển giao (BOT) các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của cơ quan chức năng trong tỉnh, công trình BOT do doanh nghiệp này phát huy hiệu quả, chia sẻ khó khăn trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với Nhà nước. Tuy nhiên, Công ty đang gặp phải tình trạng: Công trình BOT đến thời gian thu lợi nhuận lại bị chồng chéo dự án…

Từ năm 2005, Công ty đã nghiên cứu chính sách để ký hợp đồng BOT với cấp có thẩm quyền xây dựng cầu treo Bến Oánh qua sông Cầu (từ T.P Thái Nguyên qua huyện Đồng Hỷ) và cầu Đát Ma (từ huyện Phú Lương qua huyện Đại Từ) với mức đầu tư gần 4 tỷ đồng. Cầu treo Bến Oánh đạt doanh thu theo kế hoạch và Công ty đã thanh lý hợp đồng BOT với UBND huyện Đồng Hỷ khi hết thời hiệu. Còn cầu Đát Ma do lượng phương tiện qua lại không lớn, lượng phí thu được chưa đạt hiệu quả như kế hoạch đề ra nên doanh nghiệp này đã uỷ quyền lại cho địa phương thu phí, quản lý…

 

Thấy được hiệu quả về kinh tế - xã hội của các dự án BOT nên cuối năm 2010, Công ty tiếp tục đề xuất với cơ quan chức năng của tỉnh ký hợp đồng BOT để xây dựng cầu Ba Mố thuộc tuyến đường nối cầu treo Bến Oánh với đường tỉnh 269 (nay là Quốc lộ 17) với mức đầu tư 2,95 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng). Sau hơn 1 năm thi công, cầu Ba Mố đã hoàn thành đưa vào sử dụng và Công ty tiếp tục được thu phí (trạm thu phí đặt tại đầu cầu treo Bến Oánh phía T.P Thái Nguyên) đến cuối năm 2021. Hiện nay, Công ty thu phí qua cầu BOT Ba Mố bình quân đạt 5 triệu đồng/ngày nên đã cơ bản hoàn vốn đầu tư, bắt đầu vào giai đoạn thu lợi nhuận. Tương tự như Dự án trên, năm 2016, Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông 2 đã liên doanh với Công ty TNHH Sơn Phát xin đầu tư nâng cấp cầu Huống theo hình thức BOT để thu phí bù đắp trong thời gian 10 năm. Chi phí Liên doanh này bỏ ra xây dựng cầu Huống hết hơn 10 tỷ đồng và lượng phí thu về hàng tháng hiện nay đáp ứng được mục tiêu đề ra…

 

Tuy nhiên, 2 dự án xây dựng cầu qua sông Cầu theo hình thức BOT do Công ty thực hiện sẽ không phát huy hiệu quả và sẽ lãng phí khi các dự án kiên cố hoá cầu Bến Tượng, cầu Bến Oánh, cầu Xuân Hoà… hoàn thành đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Văn Đại, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: Xây dựng các công trình giao thông hiện đại kết nối 2 bờ sông Cầu để phát đô thị T.P Thái Nguyên có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh nên chúng tôi đồng tình. Song, các dự án BOT do đơn vị triển khai thực hiện từ những năm trước đây sẽ không còn hiệu quả nếu các cây cầu nêu trên được xây dựng trước năm 2020. Do vậy, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh trên cơ sở quy định của pháp luật chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp huyện xem xét thanh lý các hợp đồng BOT trước thời hạn để doanh nghiệp thu hồi vốn chuyển hướng kinh doanh. Trước tiên, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét thanh lý hợp đồng BOT cầu Ba Mố.

 

Về phía người dân các xã: Huống Thượng, Linh Sơn cũng có kiến nghị với lãnh đạo T.P Thái Nguyên và các ngành chức năng của tỉnh xem xét vấn đề miễn thu phí qua cầu treo Bến Oánh, cầu Huống từ năm 2018. Lý do người dân đưa ra là khi 2 xã này sáp nhập về T.P Thái Nguyên, người dân phải đi lại hằng ngày qua cầu để giải quyết thủ tục hành chính. Anh Lý Văn Tuấn ở xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn cho biết: Tôi làm việc bên trung tâm T.P Thái Nguyên nên mua vé qua cầu treo Bến Oanh hết 60.000 đồng/tháng. Một mình tôi thì khoản phí qua cầu không lớn nhưng khi xã Linh Sơn sáp nhập về T.P Thái Nguyên, 4 người trong gia đình tôi chắc sẽ đều phải mua vé tháng vì việc đi lại qua cầu treo thường xuyên hơn. Như vậy khoản phí qua cầu hằng tháng đối với gia đình tôi và các gia đình khác ở xã Linh Sơn, xã Huống Thượng không phải là nhỏ, nhất là nhiều gia đình nông dân rất khó khăn về thu nhập.

 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có chủ trương, HĐND tỉnh đã có nghị quyết về phát triển đô thị hai bên sông Cầu với tinh thần quyết tâm cao, có nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các địa phương nằm dọc theo 2 bờ sông, như: Quang Vinh, Cao Ngạn, Đồng Bẩm, Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên… để mục tiêu của Dự án sớm thành hiện thực. Do vậy, việc sớm thanh lý hợp đồng BOT các công trình giao thông kết nối hai bờ sông Cầu do Công ty làm chủ đầu tư là điều nên làm vì nhiều mục tiêu, như: hạn chế tổn thất cho nhà đầu tư; chia sẻ khó khăn với người dân các xã: Linh Sơn, Huống Thượng. Đặc biệt là việc dừng thu phí qua hai cây cầu trên trong thời gian xây dựng các cầu hiện đại theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ tạo lợi thế rất lớn để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại, đô thị và nhanh chóng di dân sang phía bờ hữu của sông Cầu.