Hoa Kỳ gia tăng bảo hộ, xuất khẩu liệu có gặp khó?

08:15, 28/07/2017

Với chính sách đẩy mạnh bảo hộ sản xuất trong nước, rút khỏi Hiệp định TPP, đưa Việt Nam vào nhóm 16 quốc gia bị xem xét về thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ, không ít ý kiến lo ngại kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ gặp khó. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn tương đối khả quan.

Việt Nam đứng thứ hai về tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ

 

Theo Tổng cục Thống kê, trong sáu tháng đầu năm 2017, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 19,6 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Mức tăng trưởng sau sáu tháng hiện thấp hơn so với mức tăng trưởng 12,8% của cùng kỳ năm 2016 và xu hướng giảm nhẹ đã diễn ra từ đầu năm đến nay.

 

Tuy vậy, Bộ Công thương phân tích, nguyên nhân khiến tăng trưởng XK của ta sang Hoa Kỳ giảm so với năm ngoái là do tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ những tháng đầu năm đang chậm hơn so với kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, mức tăng trưởng XK của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ là kết quả tích cực.

 

Là một trong những mặt hàng XK chủ lực sang Hoa Kỳ, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn bất ổn và tình hình dệt may thế giới không khả quan bởi các quốc gia nhập khẩu dệt may chính, trong đó có Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu dệt may thấp trong sáu tháng đầu năm 2017 (giảm 1%) nhưng XK dệt may sang Hoa Kỳ vẫn tăng gần 9%.

 

Ngoài ra, theo Bộ Công thương, một số mặt hàng tuy có mức tăng trưởng thấp hơn tại thị trường Hoa Kỳ nhưng tăng trưởng chung vẫn tốt là do nỗ lực đa dạng hóa thị trường XK của ta. Đơn cử, sáu tháng đầu năm, kim ngạch XK máy vi tính, điện tử và linh kiện sang thị trường Hoa Kỳ đạt 1,05 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, XK mặt hàng điện thoại tăng mạnh với 45,8%. Trong đó tăng 989,3% ở Slovakia, tăng 403,3% ở Thổ Nhĩ Kỳ, tăng 132,1% ở Mexico...

 

Hoặc với mặt hàng thủy sản, sau sáu tháng, kim ngạch XK sang Hoa Kỳ đạt 638 triệu USD, chỉ tăng 0,43%. Nguyên nhân là doanh nghiệp (DN) XK thủy sản bắt đầu có sự chuyển hướng XK sang thị trường EU, Nhật Bản (đối với tôm) và Trung Quốc (đối với cá tra, tôm sú)...

 

Kỳ vọng mới

 

Nhìn chung, Bộ Công thương đánh giá, việc Hoa Kỳ rời khỏi TPP tuy làm mất đi kỳ vọng tăng trưởng thương mại tốt hơn với quốc gia này nhưng tại thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới cũng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ với Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù nằm trong nhóm 16 quốc gia bị Hoa Kỳ xem xét vấn đề thâm hụt thương mại song Việt Nam chưa phải là đối tượng chính mà Hoa Kỳ nhắm tới. Thực tế, nhiều mặt hàng máy móc, thiết bị, máy vi tính và linh kiện XK chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ đều là sản phẩm của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện nay là xu hướng bảo hộ thông qua các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng, về an toàn thực phẩm. Điển hình như các quy định về dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong gạo, quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh đối với thủy sản hay chương trình thanh tra cá da trơn đã gây tác động không nhỏ đến XK nông thủy sản của Việt Nam thời gian qua. Do vậy, Bộ Công thương khuyến cáo, về lâu dài, cần có giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, về an toàn thực phẩm nhằm giữ vững và mở rộng thị phần XK tại thị trường này.

 

Đại diện cho tiếng nói từ phía doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dù có TPP hay không, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất nhập khẩu và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Dù hiện nay chưa thể có dự đoán chính xác về động thái của chính quyền Hoa Kỳ đối với tương lai quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ, nhưng doanh nghiệp hy vọng có hình thái mới của thoả thuận song phương và đa phương để thay thế TPP, thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai bên.

 

Bộ Công thương dự báo, năm 2017, kim ngạch XK sang Hoa Kỳ có thể đạt hơn 40 tỷ USD và Hoa Kỳ sẽ giữ vững vị thế là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam.