Xác định thu hút đầu tư là một trong những giải pháp mang tính đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thời gian qua, Đại Từ đã nỗ lực cải thiện môi trường, triển khai thực hiện tốt các giải pháp huy động vốn đầu tư và chính nguồn vốn này đã, đang thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Là vùng đất có nhiều mỏ khoáng sản, Đại Từ có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. Sự góp mặt của siêu dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo là một minh chứng. Với việc cung cấp sản phẩm vonfram được chế biến sâu, có giá trị cao và trữ lượng lớn, mỏ khai thác này không chỉ ghi nhận bước chuyển biến lớn trong ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam mà còn có khả năng thay đổi cục diện ngành cung cấp vonfram trên toàn thế giới. Dự án có mức đầu tư lên đến trên 1 tỷ USD. Từ khi Dự án đi vào hoạt động, đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, đặc biệt là trong phát triển thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và thu ngân sách… Ngoài siêu dự án Núi Pháo, Đại Từ cũng đã có nhiều mỏ khai thác khoáng sản đã hoạt động từ nhiều năm nay như: khai thác than, sản xuất vật liệu xây dựng…
Cùng với lợi thế về tài nguyên, những năm qua, huyện Đại Từ đã chủ động tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư bằng những chính sách khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Cụ thể , huyện đã không ngừng cải cách thủ tục hành chính, quan tâm đào tạo nghề cho lao động, từng bước giải quyết các vấn đề phát sinh giữa doanh nghiệp với người dân địa phương, công nhân lao động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua miễn, giảm, giãn thuế... Hằng năm, huyện thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư vào địa bàn.
Bên cạnh đó, huyện còn tạo điều kiện thuận lợi về giải phóng mặt bằng, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Từ đầu năm đến nay, với 13 dự án được triển khai thực hiện, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 2.290 hộ, kinh phí bồi thường được phê duyệt là trên 106 tỷ đồng, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo giải quyết tốt các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB các dự án. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện chi trả bồi thường cho 597 hộ với tổng kinh phí gần 77 tỷ đồng, diện tích bàn giao mặt bằng là 20,6ha đất sạch cho các dự án thi công đúng tiến độ. Cụ thể, Đại Từ đã hoàn thành công tác GPMB các dự án thành phần Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc và thực hiện bồi thường GPMB Dự án mở rộng bãi thải Tây Công ty Than Khánh Hòa; Dự án mở rộng phía trước Khu Di tích lịch sử Quốc gia 27-7…
Hiện, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện GPMB các dự án: Khu dân cư 1A, 1B; dự án Trường thử công nghệ Nhà máy Z131; các dự án điện, đường giao thông; giải quyết những vướng mắc liên quan đến Dự án Núi Pháo; Dự án mở rộng khai thác Mỏ than Núi Hồng và một số dự án khác.
Với suy nghĩ, giao thông là một trong những yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư, huyện đã không ngừng phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn. Từ đó, Đại Từ trở thành địa phương có tốc độ bê tông hóa đường giao thông nông thôn nhanh nhất tỉnh. Năm 2016, toàn huyện làm được trên 160km. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ xi măng của Nhà nước, nhân dân đã đóng góp trên 53 tỷ đồng tiền mặt, ngày công lao động và tài sản trên đất. 6 tháng qua, huyện đã hoàn thành 72km đường giao thông nông thôn.
Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Cùng với việc dần hoàn thiện hệ thống giao thông, huyện tích cực thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt và triển khai lập một số quy hoạch trên địa bàn để thu hút đầu tư, chỉ đạo triển khai quản lý quy hoạch các khu dân cư trên địa bàn như: Khu dân cư Bán Luông (Phú Cường), KDC trung tâm xã Phú Thịnh; KDC Đồng Khốc, 1A, 1B, KDC An Long (thị trấn Hùng Sơn)... Triển khai việc quy hoạch chung nâng cấp thị trấn Hùng Sơn từ đô thị loại V lên loại IV và quy hoạch chung đô thị Cù Vân - đô thị loại V. Qua đó, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khang trang, tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 cụm công nghiệp, tổng diện tích 214ha, trong đó 3 cụm đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết là: Phú Lạc 1, Phú Lạc 2, An Khánh 1. Đến nay, cơ bản đã có hạ tầng và một số dự án đã được đầu tư đi vào hoạt động như: Công ty CP Nhiệt điện An Khánh, Nhà máy May TNG, Nhà máy Xi măng Quán Triều… Ngoài góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng thu ngân sách, các dự án này còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó phải kể đến Nhà máy Xi măng Quán Triều, với diện tích trên 20ha, nằm trong Cụm công nghiệp An Khánh 1, thuộc xã An Khánh. Dự án được khởi công từ năm 2008 với tổng vốn gần 1.600 tỷ đồng. Đến nay đã đi vào hoạt động với 3 xưởng sản xuất, công suất 2.000 tấn/ngày, tạo việc làm cho hơn 400 lao động địa phương với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Hay Nhà máy Nhiệt điện An Khánh, công suất 120MW với tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhiệt điện An Khánh, đây là nhà máy mới có công suất lớn duy nhất trong các dự án nhiệt điện do doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau 3 năm đi vào hoạt động đã tạo việc làm ổn định cho 450 lao động, nộp ngân sách cho tỉnh hàng trăm tỷ đồng, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa và đảm bảo an ninh năng lượng.
Ngoài các dự án trên, tại các cụm công nghiệp này hiện đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 5.000 tỷ đồng. Riêng đối với Cụm công nghiệp An Khánh 2, huyện đang đề nghị Sở Công Thương xem xét điều chỉnh chuyển địa điểm từ xã An Khánh sang xã Hà Thượng nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư. Cùng với các dự án sản xuất tại các cụm công nghiệp, huyện đã tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu dân cư, chợ… nhằm từng bước phát triển hạ tầng, phục vụ đời sống nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thu hút đầu tư các dự án có nguồn vốn đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn huyện đạt kết quả tốt, đặc biệt là các dự án hạ tầng khu dân cư như: Khu dân cư 1A, 1B; Khu dân cư Đồng Khốc… Hiện nay, huyện đang chỉ đạo hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án như: Khu dân cư Đồng Phách Kháo Còng xã Tiên Hội; An Long, thị trấn Hùng Sơn; khu dân cư Cù Vân; khu dân cư xóm Duyên, xã Ký Phú.
Với những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư đã tạo bước chuyển trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, tăng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện lên gấp nhiều lần. Từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện ước đạt trên 4.500 tỷ đồng, bằng 131% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, công nghiệp địa phương ước đạt gần 2.900 tỷ đồng, bằng 161% so với cùng kỳ. Hiện nay, với những lợi thế về du lịch, sản xuất nông nghiệp, huyện đang khuyến khích và có những cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…