Giải phóng mặt bằng ở T.P Thái Nguyên: Tăng đối thoại, giảm bức xúc (Kỳ 2)

09:27, 26/08/2017

Để có những kết quả đáng ghi nhận trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở T.P Thái Nguyên, thời gian qua, cùng với sự vào cuộc, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, một trong những giải pháp được thành phố đưa ra là tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân để tìm ra hướng giải quyết thấu tình, đạt lý.

Lắng nghe người dân nói

7 tháng năm 2017, Trung tâm phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên đã tổ chức trên 400 hội nghị triển khai chế độ chính sách; đối thoại, giải quyết kiến nghị của các hộ dân vùng dự án. Trong đó, có trên 100 buổi đối thoại để giải quyết những vướng mắc của các hộ dân bị thu hồi đất.

Chúng tôi có dịp được dự buổi đối thoại giữa lãnh đạo T.P Thái Nguyên với 10 hộ dân thuộc các tổ 1, 2, 3 phường Túc Duyên,T.P Thái Nguyên vào ngày 14-4-2017. Tại đây, 10 hộ dân thắc mắc về việc chính quyền thực hiện chính sách đền bù, GPMB để thực hiện Dự án xây dựng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho các hộ dân chưa thỏa đáng.

Tại buổi đối thoại, chúng tôi thấy ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên luôn lắng nghe ý kiến phản ánh của từng người dân đề đạt. Trong đó, chủ yếu các hộ dân thắc mắc về việc: Sau khi thu hồi đất con em họ không có việc làm nếu không được đào tạo, hỗ trợ nghề thỏa đáng; một số hộ dân còn thắc mắc về việc cán bộ thực hiện công tác GPMB đo đạc sai lệch so với diện tích đất trong giấy hứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho dân; giá bồi thường, hỗ trợ cũng chưa thật hợp lý; người dân cũng lo ngại khi xây xong trường, diện tích đất xung quanh sẽ bị ngập úng vì cốt nền của công trình cao hơn rất nhiều so với diện tích đất xung quanh...

Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía các hộ dân, ông Lê Quang Minh đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của thành phố giải thích thắc mắc của từng hộ dân và yêu cầu các phòng, ban chuyên môn kiểm tra lại và theo thẩm quyền giải quyết dứt điểm những vấn đề mà các hộ dân nêu. Ông cũng đề nghị đơn vị thi công lưu ý và xử lý ngập úng nếu có và đề nghị chính quyền phường Túc Duyên tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các hộ dân sớm giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Chi bộ tổ 3, phường Túc Duyên cho biết: Mặc dù các hộ dân bị thu hồi đất chưa hoàn toàn nhất trí cao về việc đền bù, nhưng tại buổi đối thoại, chính quyền thành phố cũng đã lắng nghe những chia sẻ của người dân. Việc làm này kịp thời giải quyết những khúc mắc, bất đồng quan điểm còn tồn tại, góp phần không để xảy ra điểm nóng tại địa phương. Đồng quan điểm với bà Lan, ông Vũ Văn Giang, Bí thư Đảng ủy phường Túc Duyên cũng cho rằng: Đối thoại với người dân là kênh tốt nhất để cấp ủy, chính quyền hiểu dân hơn, từ đó giải quyết nhiều vấn đề được thấu đáo, còn người dân sẽ hiểu sâu về chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư, từ đó có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn. Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên khẳng định, đối thoại với dân đã giúp chúng tôi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân. Biết các hộ dân thuộc diện giải tỏa cần gì để có biện pháp chỉ đạo, điều hành sát với thực tế và thực hiện công tác GPMB phù hợp theo đúng chủ chương, quy định của pháp luật.

Giải quyết thấu tình, đạt lý

Bà Phạm Thị Năm, xóm Đông, xã Đồng Bẩm có gần 1.000m2 đất, trong đó có 400m2 đất ở còn lại là đất vườn, trên đất có một ngôi nhà cấp 4 và các công trình sinh hoạt khác. Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố bồi thường cho gia đình bà trên 2 tỷ đồng và bố trí để gia đình đến ở tại khu tái định cư (TĐC) đường Việt Bắc, phường Quang Trung nhưng gia đình bà không bằng lòng với cách giải quyết trên. Trung tâm Phát triển quỹ đất cùng các phòng, ban chức năng của thành phố đã phối hợp tổ chức gần 20 cuộc đối thoại với gia đình bà.

Nắm bắt được nguyện vọng của gia đình, thành phố đã bố trí cho bà Năm 2 lô tái định cư 200m2 tại khu TĐC xã Đồng Bẩm (gần Trường Đại học Việt Bắc). Đến ngày 1-8-2017, bà Năm đã nhận đủ tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, nhận đất tái định cư để nhà thầu thi công dự án cầu Bến Tượng. Trong khi bà Năm tạo lập nơi ở mới, xã Đồng Bẩm cũng cho gia đình bà mượn một gian của hợp tác xã nằm trên địa bàn xã để ở tạm. Trung tâm phát triển quỹ đất cũng đã đầu tư trang thiết bị cần thiết để gia đình bà sinh hoạt, bố trí nhân lực vận chuyển đồ đạc đến nơi ở mới giúp gia đình.

Được biết, trước đó khu TĐC này thuộc về Trường Đại học Việt Bắc. Để giải quyết nguyện vọng của một số hộ dân như gia đình bà Năm, thành phố đã báo cáo với các sở, ngành liên quan của tỉnh, làm việc với chủ đầu tư nhận lại khu TĐC của Trường Đại học Việt Bắc để quản lý, phân cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, ở tổ 2, phường Thịnh Đán có trên 300m2 đất ở nằm trong vị trí lòng đường đường Bắc Sơn kéo dài (đoạn gần cổng Tam quan thuộc Dự án Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc). Về cơ bản, bà Hồng chấp thuận nhận tiền đền bù để giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhưng do phải di dời quá nhanh trong khi gia đình bà chưa bố trí được nơi ở mới nên gia đình bà Hồng mong được hỗ trợ thêm kinh phí để thuê nhà tạm thời trong khi chờ đợi khu tái định cư đang xây dựng. Cùng với trường hợp của bà Hồng, qua các buổi đối thoại với các hộ trong vùng dự án, Tổ công tác thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất cũng đã tiếp nhận trên 800 hộ dân khác cũng có nguyện vọng tương tự. UBND T.P Thái Nguyên đã báo cáo việc này với UBND tỉnh và được tỉnh đồng ý thực hiện phương án hỗ trợ thêm cho các hộ dân bị thu hồi đất nhưng chưa bố trí được nơi ở mới với mức 35 triệu đồng/hộ để các gia đình thuê nơi ở trong khi chờ khu TĐC của Dự án được xây dựng tại xã Quyết Thắng hoàn thành.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp được các ngành chức năng của thành phố giải quyết thấu tình đạt lý, nên tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Có thế thấy, tăng cường đối thoại để hiểu tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của người dân vùng dự án đã tạo nên hiệu ứng, hiệu quả rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ GPMB trên địa bàn T.P Thái Nguyên thời gian gần đây.