5 năm trở lại đây,, huyện Võ Nhai đã nỗ lực cải thiện môi trường, thu hút đầu tư tập trung vào một số lĩnh vực có nhiều triển vọng. Hiện, trên địa bàn huyện đã có 26 dự án ngoài ngân sách đã được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 495 tỷ đồng…
Huyện Võ Nhai có diện tích tự nhiên rộng (xấp xỉ 84.000ha), nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú gồm: chì, kẽm, vàng sa khoáng, sắt… Ngoài ra, huyện còn có trữ lượng đá Các bon nát rất lớn với khoảng 200 triệu tấn cùng nhiều loại đất sét và cát, sỏi. Điều này tạo cho Võ Nhai lợi thế để phát triển lĩnh vực luyện kim, khai khoáng cũng như sản xuất vật liệu xây dựng. Trên địa bàn huyện đang có những doanh nghiệp, dự án khá lớn về khai thác, chế biến khoáng sản như: Nhà máy Xi măng La Hiên, Mỏ vàng sa khoáng Bản Ná, Mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm, Mỏ kẽm chì Cúc Đường và nhiều mỏ đá vôi, cát sỏi đang và sẽ được đầu tư khai thác.
Cùng với khoáng sản, một tiềm năng rất đáng kể nữa của Võ Nhai là tài nguyên du lịch sinh thái gắn với các địa danh lịch sử. Thiên nhiên đã “ưu ái” ban tặng cho huyện vùng cao này nhiều thắng cảnh đẹp, phong cảnh sơn thủy hữu tình với những dãy núi đã vôi hùng vĩ, nhiều sông suối, thung lũng, thác nước tự nhiên, hang động hoang sơ. Các thắng cảnh nổi tiếng của huyện như: hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, thác Mưa Rơi, hang Huyện, hồ Quán Chẽ… đã được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Cùng với đó, mảnh đất Võ Nhai giàu truyền thống còn có những di tích lịch sử văn hóa quan trọng như: Khu Di chỉ khảo cổ học Mái đá Ngườm Thần Sa; rừng Khuôn Mánh, đồn Đình Cả… Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo. Đó là những tiềm năng lợi thế để huyện thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch lịch sử - văn hóa, qua đó tạo việc làm tại chỗ cho người dân bản địa và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Võ Nhai còn là huyện có tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp (hiện có trên 60.000ha đất có rừng) để phát triển lĩnh vực trồng, chế biến và kinh doanh lâm sản. Về nông nghiệp, người nông dân Võ Nhai có truyền thống thâm canh các loại cây: chè, mía, ngô, đậu tương… với diện tích lớn, có thể cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho lĩnh vực chế biến nông sản. Vài năm gần đây, trên địa bàn còn phát triển mạnh diện tích trồng các loại cây ăn quả, tập trung nhiều ở các xã: La Hiên, Tràng Xá, Dân Tiến, Lâu Thượng và Phú Thượng.
Phong cảnh sơn thủy hữu tình tạo cho huyện Võ Nhai lợi thế để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Tiềm năng của Võ Nhai không ít nhưng nhìn tổng thể thì chưa được phát huy tốt, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chưa cao. Số doanh nghiệp trên địa bàn ít và phần lớn có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, các nhà đầu tư ngoài huyện cũng chưa mấy mặn mà bởi kết cấu hạ tầng của huyện còn yếu, đặc biệt là giao thông.
Ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện ủy, UBND huyện rất quan tâm tới việc cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư vào địa bàn. Chúng tôi tích cực, chủ động quảng bá tiềm năng của huyện, nhất là qua tiếp xúc trực tiếp với đại diện các doanh nghiệp, mời gọi họ đến khảo sát đầu tư. Đồng thời với đó, huyện nỗ lực thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, quan tâm hơn đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực có tiềm năng thu hút đầu tư.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 26 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách đã được cấp phép đầu tư. Trong đó, Dự án Khu dân cư số 1 là dự án lớn nhất, có diện tích 7,5ha, tổng vốn đầu tư 148 tỷ đồng (đang triển khai), được kỳ vọng sẽ tạo sự thay đổi lớn về diện mạo đô thị của thị trấn Đình Cả. Dự án Khu dân cư số 3, xây dựng mới chợ Đình Cả và đường vành đai tránh thị trấn cũng đang được nhà đầu tư xúc tiến các thủ tục pháp lý để triển khai. Ông Chu Quốc Công, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển và thương mại BCD (chủ đầu tư Dự án) cho biết: Tổng mức đầu Dự án vào khoảng 200 tỷ đồng. Trong suốt quá trình khảo sát và làm các thủ tục ở cấp huyện, chúng tôi luôn được lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện rất thuận lợi, nhanh chóng.
Ngoài các dự án trên, vừa qua, đại diện một số doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã đến Võ Nhai khảo sát đầu tư vào lĩnh vực may mặc và chế biến khoáng sản.
Nhằm thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch, UBND huyện đang chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là phát triển Võ Nhai thành điểm du lịch cộng đồng có thương hiệu trong và ngoài tỉnh, để lĩnh vực này đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện cũng đang xây dựng Đề án Phát triển cây ăn quả chất lượng cao, chú trọng xây dựng thương hiệu và thu hút nhà đầu tư vào chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo nghiên cứu để xây dựng Đề án Phát triển cây dược liệu… Đến nay, trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp, huyện Võ Nhai đều đã thu hút được những dự án đáng kể như: Dự án Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng (tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng); Dự án trồng cây dược liệu tại xóm Khuôn Ngục, xã La Hiên.
Dù không có nhiều lợi thế, chưa có bước đột phá nhưng có thể nói kết quả thu hút đầu tư của huyện vùng cao Võ Nhai bước đầu đã có khởi sắc. Hy vọng trong tương lai không xa, những tiềm năng của huyện sẽ được “đánh thức” để làm thay đổi diện mạo của huyện nghèo, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.