Khu du lịch trọng điểm quốc gia hồ Núi Cốc có tiềm năng rất lớn nhưng đến nay vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có các dự án khả thi. Một nguyên nhân quan trọng được cơ quan chức năng của tỉnh xác định là hệ thống giao thông bao quanh hồ Núi Cốc vẫn đứt quãng, chưa trở thành huyết mạch để kết nối các phân khu.
Đơn cử là Dự án Đường du lịch ven hồ Núi Cốc nối tuyến bờ Bắc Nam đã được UBND tỉnh quyết định đầu tư 123 tỷ đồng từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình triển khai, công tác giải phóng mặt bằng chưa xong…
Trước nhu cầu phát triển hạ tầng để từng bước khai thác tiềm năng của khu du lịch trọng điểm quốc gia hồ Núi Cốc, ngày 30-10-2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2937/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Đường du lịch ven hồ Núi Cốc nối tuyến bờ Bắc Nam và giao cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Tuyến đường này có chiều dài gần 2,83km nối từ khu Bắc qua địa phận xã Tân Thái (Đại Từ) và các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) với tổng số vốn là 123 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Dự án này sẽ khởi công trong năm 2016 và hoàn thành trước năm 2020 nhưng đến cuối quý I-2017, Đường du lịch ven Hồ Núi Cốc nối tuyến bờ Bắc Nam mới được chủ đầu tư chính thức khởi công và công tác đền bù thu hồi đất phục vụ Dự án được triển khai song song. Đến nay, UBND T.P Thái Nguyên (cơ quan thu hồi đất) đã phối hợp với chủ đầu tư Dự án đền bù cho 10/13 tổ chức cá nhân có đất, tài sản trên ở xã Phúc Trìu với số kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Chính quyền địa phương và chủ đầu tư Dự án cũng đã bàn giao mặt bằng sạch với chiều dài 1,2km cho nhà thầu thi công tiến hành san gạt, tạo nền đường.
Anh Đặng Kiều Hưng, cán bộ phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng và thi công công trình đang được tiến hành. Khó khăn hiện nay là sau khi rà soát hiện trạng sử dụng đất, chúng tôi thấy phát sinh nhiều vấn đề như quỹ đất ở tăng, mục đích sử dụng đất trong giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân trong vùng Dự án so với bản đồ địa chính có sự khác nhau; cơ chế đền bù rừng đa tầng tán chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết. Như vậy nguồn kinh phí 13,69 tỷ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng có nguy cơ thiếu hụt.
Để Dự án Đường du lịch ven hồ Núi Cốc nối tuyến bờ Bắc Nam triển khai thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ, chủ đầu tư Dự án đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, UBND T.P Thái Nguyên thực hiện các thủ tục, yêu cầu theo quy định của pháp. Đồng thời, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã trực tiếp đối thoại với một số hộ dân có ý kiến về công tác đền bù thu hồi đất để đi đến sự đồng thuận.
Đồng chí Phạm Thái Hanh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư Dự án Đường ven hồ Núi Cốc nối tuyến bờ Bắc Nam nên đã giao cho bộ phận chuyên môn thực hiện đầy đủ, chặt chẽ thủ tục theo yêu cầu. Về cơ bản Dự án thuận lợi khi nhận được sự đồng thuận cao của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan. Một số hộ dân có ý kiến đề nghị đền bù diện tích đất đúng mục đích sử dụng và loại rừng đa tầng tán nên chúng tôi đang đề nghị với Trung tâm Phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên rà soát, đưa ra căn cứ pháp lý để thực hiện. Khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn bố trí cho Dự án này chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Năm đầu tiên thực hiện Dự án nhưng đến nay nguồn kinh phí bố trí mới có trên 6 tỷ đồng nên việc giải ngân cho công tác đền bù thu hồi đất, thanh toán cho nhà thầu khi có khối lượng sẽ bị thiếu hụt.
Nguồn vốn đầu tư Dự án Đường du lịch ven hồ Núi Cốc nối tuyến bờ Bắc Nam thuộc ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương (nằm trong Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch). Do vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh nên thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh về hướng giải quyết vướng mắc phát sinh để kịp thời có văn bản đề nghị các bộ, ngành của Trung ương bố trí đủ nguồn lực thực hiện Dự án này đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.