Để thu hút các nguồn lực đầu tư

14:56, 17/06/2019

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn xác định thu hút đầu tư là giải pháp đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ chủ trương "3 đồng hành, 5 hỗ trợ" đối với các DN. Nhờ thu hút đầu tư, những năm gần đây, kinh tế tỉnh có bước phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách tăng nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Với những kết quả đó, Thái Nguyên đang phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư vào tỉnh, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tăng cường tổ chức đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư. Ðồng thời, tỉnh đã thực hiện đồng bộ cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của  DN, nhà đầu tư. 

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho tỉnh đối với lĩnh vực thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động phối hợp các các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp thu hút, xúc tiến đầu tư. Đồng chí Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Sở đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp như: Tăng cường rà soát các chính sách pháp luật về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, bổ sung các nội dung còn thiếu và loại bỏ các điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư không phù hợp với pháp luật hiện hành; tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đối với công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu; rà soát để định kỳ bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch đã lạc hậu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc xác định và xây dựng dự án; hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, công bố rộng rãi quy hoạch, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư. Tiếp tục tiến hành tổng rà soát, điểu chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước; ưu tiên các lĩnh vực cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường (xử lý chất thải rắn, nước thải)...

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và các đối tác trọng điểm như các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản… kết hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để quảng bá các tiềm năng, lợi thế của tỉnh với các nhà đầu tư.

 Đặc biệt, tỉnh đã thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin, giải quyết ngay kiến nghị từ phía các nhà đầu tư. Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ðầu tư lưới điện đến chân hàng rào dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp. Hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng, áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho DN trong khung quy định của Chính phủ về miễn, giảm thuế, thuê đất, mặt nước.

Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, tỉnh đã vận động các nhà đầu tư thuê đất 50 năm trả tiền một lần để có vốn xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN). Kết quả đã huy động được hơn 1.500 tỷ đồng để xây dựng KCN Ðiềm Thụy với hệ thống giao thông nội bộ, giao thông kết nối, hệ thống cấp điện, nước, xử lý nước thải được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh, những giải pháp đủ mạnh, công tác thu hút đầu tư vào tỉnh có bước phát triển vượt bậc.

Từ năm đầu năm 2016 nay, toàn tỉnh có 248 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư còn hiệu lực, trong đó: Dự án trong nước là 207 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 22.846 tỷ đồng; dự án FDI là 41 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 138 triệu USD. Đặc biệt, từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 với chủ đề “Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư” đến nay, tỉnh đã thu hút được 44 nhà đầu tư với 62 dự án và tổng số vốn đăng ký đầu tư là 115.720,6 tỷ đồngvới các lĩnh vực đề xuất đầu tư như: Hạ tầng đô thị; du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng; xử lý chất thải; nông nghiệp công nghệ cao; hạ tầng thương mại; sân Golf....Hiện nay, các dự án này đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên bày tỏ sự vui mừng: Những năm gần đây môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng cơ chế một cửa liên thông nên thời gian đăng ký thành lập DN xuống dưới hai ngày, thời gian nhận quyết định đầu tư cho dự án xuống dưới 25 ngày; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu xuống còn dưới 24 ngày, giảm nhiều so với quy định của pháp luật. Ngành thuế và hải quan áp dụng khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, giảm được nhiều thời gian, nâng cao sự minh bạch trong thu hút đầu tư.

Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành việc rà soát, kiểm tra các dự án sau khi được cấp phép. Ngoài việc kiểm tra, đôn đốc các dự án sau khi được cấp phép đầu tư, các sở, ngành và địa phương cũng luôn lắng nghe các phản ánh của DN về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, từ đó có phương án xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án.

Đối với các dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã đăng ký, vi phạm các cam kết đối với tỉnh thì tỉnh kiên quyết thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án để thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực sự, góp phần phát triển kinh tế xã hội của toàn tỉnh.Từ năm 2016 đến hết ngày 31/5/2019, tỉnh đã tiến hành thu hồi và chấm dứt hoạt động của 178 dự án.

Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 670 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so năm 2017, đứng thứ 4 trong số 63 tỉnh, thành phố; xuất khẩu đạt hơn 25 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số 63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách của tỉnh tăng nhanh, năm 2018 đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng, tăng hơn hai lần so năm 2015, phấn đấu đến năm 2020 tự cân đối thu, chi; thu nhập bình quân đạt 77,7 triệu đồng/người, tăng gần 10 triệu đồng/người so năm 2017. Với mức tăng trưởng cao liên tục trong 3 năm qua, bình quân đạt 13,15%/năm, đến nay 18 trong tổng số 19 chỉ tiêu thành phần được đề ra tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX đều đạt và vượt tiến độ, trong đó có 12/19 chỉ tiêu mang tính bứt phá. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.