Sớm giải quyết việc trả hồ sơ đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp

14:37, 14/08/2019

Dự án Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam của Công ty TNHH Interweaves Holdings được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Sông Công 2 cuối năm 2018. Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Dự án không thể tiếp tục triển khai do hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa được Tổng cục Môi trường (TCMT) thông qua.

Theo TCMT, hồ sơ ĐTM của Dự án chưa được thông qua là do cần phải làm rõ sự phù hợp của ngành nghề khi đầu tư vào KCN Sông Công 2. Bởi theo Hồ sơ ĐTM Dự án KCN Sông Công 2 đã được phê duyệt tại Quyết định số 2599/QĐ-BTNMT  thì KCN Sông Công 2 “chỉ tiếp nhận vào KCN các dự án thuộc những ngành công nghiệp có định mức sử dụng nước thấp”. Bên cạnh đó, TCMT còn cho rằng ngành nghề của Dự án chưa phù hợp theo Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11-4-2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc Quy hoạch phát triển ngành Dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là “tiếp tục phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các KCN Thụy Vân, Trung Hà, Tam Nông - tỉnh Phú Thọ, KCN Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên đồng thời phát triển các nhà máy may tại tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn”.

Về vấn đề trên, ông Trần Văn Long, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, Chủ đầu tư hạ tầng KCN Sông Công 2 cho biết: Những lý do TCMT đưa ra để từ chối Hồ sơ ĐTM của Dự án là không thuyết phục. Bởi tại mục 1.4.2, Chương 1, Báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công 2 đã nêu các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, trong đó có “ngành dệt may: Sản xuất sợi, vải dệt thoi và hoàn thiện sản phẩm dệt; sản xuất hàng dệt khác; sản xuất trang phục”. Ngoài ra, căn cứ theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư) thì Dự án cũng thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 của Bộ Công Thương...

Đối với nội dung “chỉ tiếp nhận vào KCN các dự án thuộc những ngành công nghiệp có định mức sử dụng nước thấp”, ông Long khẳng định: Trong các văn bản gửi TCMT thẩm định, phê duyệt Báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công 2 đều không được Ban đề cập đến. Tương tự trong quá trình thẩm định của các thành viên Hội đồng thẩm định cũng không có ý kiến nào về nội dung này. Thế nhưng, khi ban hành Quyết định 2599/QĐ-BTNMT lại có cụm từ trên.

Đáng nói hơn, TCMT còn viện dẫn Quyết định 3218/QĐ-BCT ngày 11-4-2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương làm cơ sở để từ chối Hồ sơ ĐTM của Dự án. Trong khi Quyết định này đã bị Bộ Công thương hủy bỏ (do hết hiệu lực).

Ngoài đề nghị làm rõ sự phù hợp ngành nghề của Dự án, TCMT còn đề nghị Công ty TNHH Interweaves Holdings làm rõ về khối lượng nước thải và phương thức, vị trí xả thải. Tuy nhiên, ông Trần Văn Long nhấn mạnh: Căn cứ các quy định hiện hành, Dự án có lưu lượng xả thải khoảng 14.400m3/ngày đêm thì Chủ dự án đã cam kết tại hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là tự xử lý nước thải đạt cột A. Đồng thời cam kết tự đóng cửa hoạt động của Nhà máy nếu có hoạt động gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng môi trường xung quanh. “Do đó, Dự án sản xuất vải thuộc trường hợp được miễn trừ đấu nối, được phép xả thải trực tiếp ra sông Công là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật”.

Trước sự việc Hồ sơ ĐTM của doanh nghiệp chưa được thông qua và đã bị trả lại, Ban Quản lý các KCN đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và giải quyết dứt điểm việc TCMT trả hồ sơ ĐTM của Dự án. Cùng với sự giúp đỡ này của Ban Quản lý, hiện tại, doanh nghiệp cũng rất mong cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm, có những đề xuất, khuyến nghị thêm tới các Bộ, ngành và cơ quan liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để Dự án có thể tiếp tục được triển khai trong thời gian sớm nhất.