Thực hiện Luật Đất đai 2013: Những “nút thắt” mới cần tháo gỡ

09:19, 08/05/2020

Tháng 10-1993, Luật Đất đai lần đầu tiên có hiệu lực, đánh dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Nhưng 10 năm sau (năm 2003), Luật Đất đai phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của xã hội. Đặc biệt, trước khi ban hành Luật Đất đai 2013, cơ quan soạn thảo đã nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của các giai tầng trong xã hội nhằm thể chế hóa toàn diện các nội dung liên quan, nhưng qua thời gian thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ...

Ít bộ luật nào mà Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương phải ban hành nhiều nghị định, thông tư, quyết định để thực thi như Luật Đất đai 2013. Thời gian thực hiện Luật Đất đai 2013, Chính phủ đã ban hành trên 10 Nghị định; các bộ, ngành đã ban hành hơn 50 Thông tư, Thông tư liên tịch để hướng dẫn nên đã đem lại nhiều kết quả.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình thi hành Luật Đất đai 2013 tại các tỉnh, thành nói chung và tỉnh ta nói riêng vẫn còn nhiều vướng mắc, gây trở ngại trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên này để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Qua khảo sát của phóng viên và kết quả xử lý vi phạm của UBND 9 huyện, thành, thị trong tỉnh hàng năm cho thấy, tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, không đăng ký biến động với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính theo quy định vẫn còn xảy ra. Ông Dương Ngọc Yên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình cho biết: Trên địa bàn còn nhiều trường hợp xây dựng nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp từ nhiều năm nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, nên chúng tôi đã tham mưu với cấp có thẩm quyền xem xét những trường hợp vi phạm nhưng phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phép hoàn thiện hồ sơ để hợp thức mục đích sử dụng đất nhằm thu ngân sách và thuận lợi trong công tác quản lý. Cùng với đó là dữ liệu đất đai của huyện thực hiện từ trước năm 2000, đến nay đã có thay đổi nên phát sinh nhiều vướng mắc. Do vậy, chúng tôi đề nghị dự án đo đạc bản đồ địa chính trên địa bàn huyện sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phục vụ tốt cho công tác chuyên môn.

Quỹ đất rộng 180ha ở phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) chưa phát huy được giá trị vì quy hoạch các dự án đều chậm tiến độ nhiều năm nay.

Luật Đất đai năm 2013 có quy định về trường hợp dự án bị chậm tiến độ sẽ bị xử lý nhưng văn bản hướng dẫn lại chưa chi tiết, chưa đồng bộ. Cụ thể trong Luật quy định: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”. Song trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án không triển khai hoặc triển khai chậm đã xin gia hạn và tiếp tục quá hạn nhưng việc thu hồi rất khó khăn, kéo dài nhiều năm gây bức xúc trong dư luận, lãng phí tài nguyên. Thêm vấn đề nữa là trong Luật Đất đai năm 2013 quy định việc thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội (không thuộc diện dự án về an ninh, quốc phòng, giáo dục…) thì tổ chức thu hồi đất phải thỏa thuận với tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng dụng đất giá đền bù. Điều này cũng khiến nhiều tổ chức, cá nhân hiểu không đúng chính sách pháp luật, không chấp hành các quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà đưa ra nhiều yêu sách như đề nghị trả giá cao hơn nhiều lần so với bảng giá đất đang có hiệu lực, thu hồi đất nông nghiệp cũng phải bố trí tái định cư. Không được giải quyết theo đề nghị nên nhiều tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất ở các địa phương trong tỉnh có đơn thư khiếu kiện đến các cấp, cơ quan truyền thông.

Tại các hội nghị sơ kết, tổng kết về công tác quản lý đất đai và hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào công tác xây dựng pháp luật, đại diện các ngành, địa phương, chuyên gia pháp luật của tỉnh đều cho rằng vẫn còn sự chồng chéo, không thống nhất trong quy định của các bộ luật, có một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và cũng có những nội dung phát sinh mới mà Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định điều chỉnh nên khó khăn cho khâu tổ chức thi hành. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Tráng, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, còn một số nội dung Luật Đất đai năm 2013 cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Cụ thể như vấn đề về thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận; bồi thường hỗ trợ tái định cư; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển nhanh và sự hội nhập sâu rộng nên việc điều chỉnh, bổ sung chính sách pháp luật nói chung, pháp luật về đất đai nói riêng để theo kịp xu thế là điều tất yếu. Do vậy, việc điều chỉnh, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 chắc chắn sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện trong thời gian tới.