Chậm giải ngân dự án đường Phú Thái: Cần sự phối hợp tích cực giữa các bên

09:07, 25/08/2020

Có tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng, trong đó, năm 2020, Dự án cải tạo, mở rộng đường Phú Thái (nằm trên địa bàn phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên) được bố trí kế hoạch vốn 12 tỷ đồng, nhưng đến ngày 15-8, mới giải ngân đạt 6% kế hoạch vốn trong khi hiện Dự án đã chậm tiến độ 8 tháng. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để Dự án giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn theo đúng cam kết của chủ đầu tư với UBND tỉnh?

Dự án cải tạo, mở rộng đường Phú Thái có chiều dài 1,83km; bề rộng mặt đường trung bình 7m, được láng nhựa và thảm trực tiếp bằng bê tông nhựa hạt trung dày 5cm; hai bên đường có rãnh dọc. Dự án được kéo dài từ đầu đường Quang Trung đến Quốc lộ 3. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh hỗ trợ và ngân sách T.P Thái Nguyên, được khởi công xây dựng từ tháng 8-2018 và theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 12-2019. Tuy nhiên, đến nay, Dự án mới hoàn thành khoảng 70% giá trị xây lắp.

Theo ông Nguyễn Đức Lượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng T.P Thái Nguyên - chủ đầu tư Dự án: Có nhiều nguyên nhân khiến Dự án chậm tiến độ, trong đó vướng nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Do Dự án chỉ có tiền hỗ trợ tài sản trên đất chứ không có tiền đền bù đất nên thời gian đầu, nhiều hộ dân không đồng ý hiến đất. Mất một thời gian dài vận động, thuyết phục, đến nay, đa số hộ dân mới đồng thuận. Nguyên nhân thứ hai đó là hồ sơ quản lý đất đai của các hộ dọc tuyến đường không thống nhất, do trước đó, tuyến đường đã có một số lần mở rộng, nhiều hộ đã hiến một phần diện tích đất nhưng khi đó, cơ quan chức năng không điều chỉnh theo biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Vì thế, số diện tích ghi trên GCNQSD so với thực tế đang sử dụng không khớp. Trong đợt hiến đất lần này, cơ quan chức năng muốn điều chỉnh cả phần đã hiến trước đó để đúng với hiện trạng đang sử dụng thì một số hộ dân chưa đồng tình. Do đó, không thể thực hiện phần hỗ trợ tài sản trên đất cũng như giải phóng được mặt bằng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Lượng cũng thừa nhận, quá trình thực hiện Dự án, Ban chưa thực sự quyết liệt và làm hết trách nhiệm trong việc đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết những vướng mắc. Vì vậy, ngay trong tháng 8 này, đơn vị sẽ tham mưu để UBND Thành phố chủ trì, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng phòng, ban cũng như UBND phường Tân Thịnh, nhằm đảm bảo tiến độ đã cam kết với tỉnh, đó là đến cuối tháng 9 sẽ giải ngân được tối thiểu 60% kế hoạch vốn và hoàn thành 100% vào cuối năm nay, tránh việc phải điều chuyển vốn sang dự án khác.

Tìm hiểu thêm về Dự án chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những nguyên nhân kể trên thì việc Dự án chậm được giải ngân còn là do sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan của thành phố chưa thực sự chặt chẽ, chưa phân định rõ trách nhiệm, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Tiến Trữ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất T.P Thái Nguyên thì việc GPMB là thuộc trách nhiệm của phường Tân Thịnh; còn ông Chu Phương Thái, Chủ tịch UBND phường Tân Thịnh lại cho rằng, địa phương chỉ có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người dân hiến đất. Đến nay, chỉ còn 7 trong số gần 250 hộ có đất nằm trong Dự án chưa đồng thuận. Vậy nhưng, công tác kiểm đếm và tính phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất lại chưa được thực hiện kịp thời, dẫn đến việc GPMB chậm. Phường đang tiếp tục tăng cường vận động để chậm nhất trong tháng 10 này, những hộ dân còn lại sớm đồng ý bàn giao mặt bằng.

Về phía đơn vị thi công Dự án, ông Tăng Minh Bắc, Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông 1 khẳng định: Chỉ cần có mặt bằng, sau 1,5 tháng, chúng tôi sẽ thi công hoàn chỉnh toàn tuyến. Việc Dự án GPMB xôi đỗ khiến việc thi công của chúng tôi gặp không ít khó khăn và tăng chi phí.

Chúng tôi xin được kết thúc bài viết bằng “tâm sự” đầy khẩn thiết của chị Nguyễn Thị Thu An, tổ 6, phường Tân Thịnh: Hiện, đời sống của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ sự chậm trễ của Dự án, nhất là những ngày mưa to, do nhiều đoạn chưa có rãnh nên nước không thể thoát được và tạo thành những vũng sâu, kèm theo đó là mùi hôi thối bốc lên. Việc kinh doanh của gia đình tôi và nhiều hộ dân khác dọc tuyến đường vì thế gặp nhiều khó khăn. Không ít vụ tai nạn giao thông do đâm va hoặc tự ngã đã xảy ra vì mặt đường mấp mô… Mong muốn của chị An cũng là mong muốn của nhiều hộ dân khác khi chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc. Rất mong, các cơ quan liên quan của T.P Thái Nguyên sẽ quyết liệt hơn đến việc thực hiện Dự án này. Cùng với đó là sự đồng thuận của những hộ dân còn lại, để  không chỉ nguồn vốn của Dự án không bị điều chuyển, mà còn để đời sống của người dân dọc tuyến đường không còn phải sống trong cảnh nắng bụi, mưa lầy.