Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Còn nhiều vướng mắc

08:22, 29/03/2022

Cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) phát triển theo cơ chế thị trường, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giảm gánh nặng cho ngân sách. Tại Thái Nguyên, những năm qua, tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh việc sắp xếp, tái cơ cấu, CPH, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên tiến trình CPH và thoái vốn chưa đạt hiệu quả cao.

Thời điểm năm 1998, toàn tỉnh có 54 DNNN do UBND tỉnh thành lập theo ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Trong đó có 10 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp; 9 DN lĩnh vực nông nghiệp; 15 DN xây dựng; 9 DN thương mại, dịch vụ; 5 DN văn hóa, y tế, giáo dục và 6 DN khác.

Chậm đổi mới, thiếu năng động trong cơ chế thị trường, còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước - đó là lời tự nhận xét của hầu hết các chủ DNNN thời bấy giờ. Một số DNNN thì làm ăn thua lỗ kéo dài hoặc kinh doanh không hiệu quả, không có lợi nhuận, hoặc nếu có thì cũng không đủ để bù đắp chi phí quản lý, khấu hao tài sản và nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động.

Giai đoạn 1998-2005, Thái Nguyên đã thực hiện CPH được 32 DNNN; bán 9 DNNN cho tập thể người lao động trong DN để thành lập công ty cổ phần (CP); chuyển 3 DNNN thành công ty TNHH nhà nước một thành viên; sắp xếp, đổi mới quản lý đối với 4 nông, lâm trường quốc doanh; chuyển giao Công ty Dịch vụ Khách sạn Thái Nguyên, sắp  xếp lại Công ty Khoáng sản Thái Nguyên; giải thể 4 DNNN.

Từ năm 2006 đến nay, sau nhiều sắp xếp, chuyển đổi, thực hiện CPH và thoái vốn Nhà nước, tỉnh hiện chỉ còn quản lý 4 công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và 5 DN cổ phần có vốn nhà nước (dưới 50% vốn điều lệ).

Nhìn chung, các DNNN sau khi thực hiện CPH đã chủ động thay đổi mô hình quản trị, huy động được nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị; người lao động cũng được sắp xếp lại vị trí công việc để thích ứng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa doanh thu của DN tăng dần qua các năm. Điển hình như các doanh nghiệp: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên, Công ty CP Vận tải Thái Nguyên, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên, Công ty CP Xây dựng số 2 Thái Nguyên…

Theo lộ trình của Chính phủ, đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên phải thực hiện CPH 2 DN có 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu của Nhà nước là Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên; Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Đại Từ.

Công nhân vận hành máy in tự động tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Tuy nhiên, đến nay tiến độ CPH của 2 đơn vị này đều bị chậm so với kế hoạch. Theo ông Đặng Văn Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển DNNN tỉnh Thái Nguyên: Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên có vướng mắc liên quan đến vấn đề nhân sự, xử lý tài chính, nhiều tài sản của dự án thoát nước thải chưa được quyết toán nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện CPH vào năm 2020. Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Đại Từ cũng chưa thể thoái vốn đúng theo lộ trình do đơn vị này lúng túng trong quá trình xây dựng phương án tổng thể CPH và phương án sử dụng lao động sau khi DN thoái vốn để trình UBND tỉnh phê duyệt, hoàn tất các thủ tục cho việc đấu giá…

Cũng theo lộ trình của Chính phủ đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên cũng phải hoàn thành thoái vốn đối với 3 công ty CP có vốn nhà nước dưới 50% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên, Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Xuân Học, Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên cho biết: Năm 2020, đơn vị đã tiến hành triển khai thoái vốn Nhà nước 1 phần từ 42,27% xuống còn 36%. Mặc dù vậy, việc thoái vốn tại Công ty đang tạm dừng theo Quyết định 908/QĐ-TTG ngày 29/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ và điều chỉnh kế hoạch thực hiện CPH sang giai đoạn 2021 - 2025.

Còn tiến độ CPH của 2 đơn vị là Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên (tỷ lệ vốn Nhà nước so vốn điều lệ là 37,47%), Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên (tỷ lệ vốn Nhà nước so vốn điều lệ là 20,21%) lẽ ra phải hoàn thành trong năm 2020 nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc nên chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn.

Sau khi tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội” ngày 24-3 vừa qua, chia sẻ với chúng tôi về nội dung này, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đổi mới và Phát triển DNNN tỉnh khẳng định: Thái Nguyên quyết tâm đẩy nhanh CPH và thoái vốn Nhà nước tại các DNNN do tỉnh quản lý theo lộ trình của Chính phủ đề ra. Quá trình này sẽ được tỉnh thực hiện đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trục lợi chính sách, thất thoát tài sản, ngân sách; không gây khó khăn, vướng mắc cho DN…