Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ

19:32, 29/08/2017

Trận mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6 đã gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp của 3 huyện Phú Lương, Đại Từ và Định Hóa.

Theo đó, mưa lũ đã khiến 2.116ha lúa và hoa màu đã bị ngập úng, hư hại (Định Hóa 1.500ha; Phú Lương 80ha; Đại Từ 532,8ha); gần 90ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; trên 5.000 con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi… Thiệt hại ước tính trên 40 tỷ đồng. Ngay sau khi nước lũ rút, các địa phương đã bắt tay ngay vào chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất ổn định đời sống.

Đối với diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng, các địa phương đã tập trung huy động lực lượng tại chỗ để nạo vét hệ thông kênh mương, khơi thông dòng chảy nhằm tiêu úng, thoát lũ cho những diện tích bị ngập, không để ảnh hưởng đến năng xuất, sản lượng cây trồng. Sau khi đã thực hiện việc tiêu úng, ngành Nông nghiệp các địa phương chỉ đạo bà con kịp thời thực hiện các biện pháp chăm sóc cây lúa và hoa màu như bón thúc kali cho diện tích lúa đã đứng cái, làm đòng; phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, bón phân qua lá cho lúa, rau màu ở vùng bị ảnh hưởng nhẹ. Riêng đối với một số diện tích bị vùi lấp, cuốn trôi không thể phục hồi, các huyện đang tiến hành thống kê để trích ngân sách địa phương hỗ trợ người dân theo quy định; đồng thời, hướng dẫn bà con khẩn trương sử dụng các giống cây rau màu, ngô và lúa giống ngắn ngày để gieo cấy lại. Diện tích nào không thể khôi phục, cải tạo thì xem xét, chuyển đổi sang gieo trồng các loại cây phù hợp, không để đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Đối với những diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ, các địa phương chỉ đạo bà con gia cố lại hệ thống bờ bao, vệ sinh, cải tạo diện tích ao nuôi để tiếp tục nuôi trồng thủy sản.

Đối với chăn nuôi, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết do nước lũ cuốn trôi đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đang cùng các địa phương huy động lực lượng phối hợp với trạm thú y địa phương tiến hành tìm kiếm, vớt toàn bộ số gia súc, gia cầm và vật nuôi bị chết do mưa lũ cuốn trôi tại các kênh rạch, sông suối để chôn lấp, hạn chế ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh do phân huỷ xác chết gây ra. Đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi sửa chữa chuồng trại, thực hiện vệ sinh môi trường bằng các loại hóa chất tiêu độc khử trùng như: Haniodine 5-10%, Chlorine 3-5%...