Tinh thần tự lực của một đơn vị sự nghiệp

08:00, 31/08/2017

Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) có nhiệm vụ vừa thực hiện công tác quản lý Nhà nước theo quy định, vừa làm dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn.

Là đơn vị sự nghiệp công lập nhưng Trung tâm đã rất nỗ lực trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy để tiếp nhận thêm nhiều công trình nước sinh hoạt nhưng không tăng biên chế. Cùng với đó, Trung tâm đã có giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội nhằm nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn, giảm gánh nặng cho ngân sách…

Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động. Sau 26 năm đi vào hoạt động, đơn vị này đã đóng vai trò chủ lực trong thực hiện cả 2 nhiệm vụ là: thực hiện công tác quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn trong tỉnh. Hiện Trung tâm đang quản lý 23 công trình nước sinh hoạt phục vụ trên 18 nghìn hộ dân nông thôn trong tỉnh và dự kiến đến năm 2020 sẽ tiếp nhận, quản lý thêm khoảng 04 công trình cấp nước tập trung nông thôn với 24 nghìn hộ dân sử dụng nước ổn định.

Điều đáng quan tâm là trong tổng số 146 người lao động đang làm việc tại Trung tâm chỉ có 01 chức, 24 viên chức và 3 hợp đồng theo Nghị định số 68 được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Số lao động còn lại của Trung tâm đều thuộc diện hợp đồng, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ để chi trả lương và thực hiện các chế độ khác cho người lao động theo quy định. Đối với hoạt động đầu tư, những năm qua, Trung tâm đã đưa ra một số giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn từ các tổ chức trong, ngoài nước để có kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Chỉ tính từ năm 2015 đến năm 2017, Trung tâm đã vận động được các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế tài trợ, như: Đại sứ quán Úc; tổ chức EAST (Pháp); tổ chức Đông Tây Hội Ngộ…tài trợ trên 17,7 tỷ đồng để phục vụ đầu tư các công trình.

Có được kết quả này là do cấp uỷ, ban lãnh đạo Trung tâm đã mạnh dạn thực hiện công tác cải cách hành chính, như: xây dựng đề án vị trí việc làm để làm căn cứ tổ chức bộ máy, bố trí nguồn nhân lực, xây dựng phương hướng, kế hoạch hoạt động. Mục tiêu của việc làm này của đơn vị là hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không tăng biên chế, bộ máy đảm bảo tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả, giảm kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở đề nghị của Trung tâm và đơn vị trực tiếp quản lý, mới đây, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2040/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên. Theo văn bản này, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm tăng lên nhiều nhưng số cán bộ, viên chức không tăng theo công việc. Trong đó, nội dung quan trọng UBND tỉnh giao Trung tâm tiếp tục thực hiện việc tự chủ về tài chính, từng bước giảm nguồn kinh phí nhà nước cấp.

Để thực hiện hiệu quả nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, Trung tâm đã tổ chức cho cán bộ, viên chức tham gia học tập, nghiên cứu các quy định về cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý và đóng góp ý kiến về quy trình, thời gian giải quyết thủ tục trong nội bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Mặt khác, cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị tiếp tục rà soát, bố trí cán bộ có trình độ, năng lực thực hiện công tác quản lý, xây dựng nội quy, quy chế của đơn vị phù hợp với yêu cầu về cải cách hành chính và phù hợp với thực trạng hoạt động của đơn vị. Trong đó, mục đích xuyên suốt được Trung tâm xác định là thực hiện thành công chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX đã đề ra: Đến năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%.

Đồng chí La Hồng Chung, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: Đơn vị tham mưu cho cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện một số chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư, quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Từ đó, đơn vị sẽ thu hút nguồn lực, từng bước thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn theo chủ trương, định hướng của Nhà nước. Đây là một trong những giải pháp nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ ý nghĩa là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.