Nuôi cá ở lưng chừng đèo, câu chuyện tưởng vô lý nhưng lại là có thật của vợ chồng anh Nguyễn Việt Hòa, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Giữa mênh mông núi rừng, ngay ở lưng chừng đèo Ái Âu hiểm trở, trang trại nuôi cá đặc sản của vợ chồng người dân tộc Tày đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, là điểm đến hấp dẫn cho những du khách và thu hút đông đảo những người dân đến học tập kinh nghiệm.
Do có thời gian dài nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, anh Hòa rất am hiểu về đặc tính các loại cá. Năm 2005, để xây dựng Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, anh cùng gia đình phải chuyển về xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Nhận thấy ở đèo Ái Âu có lợi thế là nguồn nước sạch, có nhiệt độ thấp, nước chảy quanh năm rất thuận lợi để nuôi cá, anh đã bàn với vợ mang tất cả số vốn dành dụm bấy lâu vào mua đất làm trang trại nuôi cá đặc sản. Anh Hòa chia sẻ: “Giờ nghĩ lại thấy quyết định của mình khi ấy là “quá liều” bởi trước đây làm gì đã có ai làm ao nuôi cá trên đỉnh núi bao giờ đâu”.
Những ngày đầu lập trang trại, vợ chồng anh phải dựa theo địa hình mà đào từng ao nuôi nhỏ rồi dẫn nước suối vào. Với kinh nghiệm từ việc nuôi cá trên lòng hồ thủy điện trước đây, anh liên hệ với các hộ đánh cá trên lòng hồ để thu mua cá nheo có kích thước bé đưa về nuôi. Nguồn nước khe ở đèo Ái Âu mát mẻ, chảy thường xuyên, đàn cá của anh phát triển tốt. Tuy nhiên, giống cá này có đặc tính là chỉ ăn những loài tôm cá nhỏ. Vì vậy, vào mùa đông, nguồn thức ăn không còn khiến cá chậm lớn. Mặt khác, nguồn cá giống cũng khan hiếm dần bởi nước hồ dâng cao, cá di chuyển lên vùng nước nông hơn ở thượng nguồn.
Không nản chí, anh lại tiếp tục đi tìm giống cá mới, biết được đặc tính loài cá bỗng, cá anh vũ thích sống vùng nước mát, có dộ dốc nên anh đã lăn lội lên Bắc Mê, Bắc Quang (Hà Giang) tìm mua. Lứa cá giống đầu tiên lấy về chỉ sống được vài ngày rồi chết nổi trắng mặt ao, đợt 2 cũng chỉ một nửa cá giống sống sót. Bao lần lội xuống ao vét bùn, vệ sinh ao cá tìm hiểu nguyên nhân, mới biết cá chết do nhiệt độ nguồn nước không phù hợp. Sau này, anh chị điều chỉnh lại dòng chảy và mực nước trong ao nuôi hợp lý nên cá mới phát triển được.
Cá bỗng và cá anh vũ là các loại cá quý hiếm, trước đây chỉ dùng để tiến vua. Đây là loại cá phát triển chậm, sau 3 năm mới đạt trọng lượng khoảng 2,5 - 3kg và khi đạt trọng lượng từ 7 - 8kg, cá mới bắt đầu sinh sản. Mặc dù lớn chậm nhưng loại cá này ít dịch bệnh, thịt cá lại dai ăn rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao.
Anh Hòa cho biết, hiện nay, trang trại của anh có rộng khoảng hơn 2 ha với hơn 3.000m2 mặt nước. Trên diện tích đó, anh chia ra 10 ao thả khoảng 2.500 con cá bỗng và 1.000 con cá anh vũ. Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, anh trồng các loại rau, bí đỏ. Hiện số cá bỗng đã có trọng lượng từ 2,5kg trở lên với giá bán trên thị trường là 250.000 đồng/kg, khi bán ra sẽ mang lại một nguồn thu rất lớn cho gia đình.
Do cá “tiến vua” phải nuôi trong khoảng thời gian dài mới có thể thu hoạch, vợ chồng anh Hòa còn nuôi thêm các loài cá ngắn ngày hơn như trắm cỏ, trôi, chép… để tăng thêm thu nhập với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Ngoài phát triển cá, vợ chồng anh Hoà còn trồng cam, quýt, chăn nuôi thêm vịt suối, lợn đen và gà đồi. Sau 3 năm miệt mài lao động, bãi đất hoang vu nơi lưng chừng đèo ngày nào, giờ đây đã trở thành trang trại quy mô, là điểm dừng chân của nhiều du khách.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Hòa cho biết, tới đây anh sẽ đi Sapa (Lào Cai) để học tập cách nuôi cá hồi, bởi đặc tính loài cá này lớn nhanh hơn cá anh vũ, cá bỗng mà hiệu quả kinh tế cũng cao hơn, trong khi nguồn nước ở đây có nhiệt độ thấp thích hợp cho loài cá này phát triển.
Ông Quan Văn Phùng, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, xã đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên một số cây, con đặc sản là thế mạnh của địa phương. Trang trại nuôi cá bỗng và cá anh vũ của gia đình anh Hòa là một trong những mô hình kinh tế điển hình của địa phương. Nuôi cá đặc sản không những mang lại giá trị kinh tế cao còn góp phần bảo tồn những loại cá quý hiếm./.