Kỳ 2- Hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững

14:41, 01/10/2017

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nâng cao chất lượng nông sản, góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường là mục tiêu mà tỉnh ta đang hướng tới. Nhưng làm thế nào để tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ?. Điều này cần có sự nỗ lực của cả nhà quản lý, các doanh nghiệp và bà con nông dân.

Hướng đi tất yếu

Ngành Nông nghiệp của tỉnh hiện nay đang đứng trước hai vấn đề lớn, đó là: Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ. Trong sản xuất nông nghiệp, việc lạm dụng các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trong một thời gian dài sẽ gây tác động xấu đến sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây độc hại cho cây trồng và môi trường sống (như phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc tăng trọng, hóa chất bảo quản…) và sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp. Phương pháp canh tác này cùng lúc có thể giải quyết được nhiều mục tiêu cấp bách mà con người đang phải đối diện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Theo Tiến sĩ Hà Duy Trường, Trưởng bộ môn Rau - củ - quả, khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên thì hiện nay, nông nghiệp hữu cơ đang được áp dụng trên toàn thế giới và đang trở thành xu hướng phát triển của hầu hết các nước có nền nông nghiệp phát triển.

Nhìn từ góc độ người tiêu dùng, hiện nay, trước những lo lắng về an toàn thực phẩm, người dân đang rất chuộng các loại thực phẩm hữu cơ, thế nên thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ lại càng rộng mở. Chị Nguyễn Thị Phương Chung, tổ 15, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Trước những thông tin nhan nhản về thực phẩm “bẩn”, tôi thực sự hoang mang mỗi khi đi chợ, không biết mua gì để gia đình có được bữa ăn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà vẫn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Rồi tôi lên mạng Internet tìm hiểu và biết đến sản phẩm hữu cơ. Từ đó, tôi luôn tìm mua những thực phẩm có nguồn gốc từ sản xuất hữu cơ trên thị trường về sử dụng.

Thị trường của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không chỉ rộng mở ở thị trường nội tiêu, mà hiện nay, để xuất khẩu được nông sản vào một số nước trên thế giới thì tiêu chuẩn về sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, không có tồn dư của các loại hóa chất độc hại là điều kiện bắt buộc. Vì vậy, để có thể sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa thì việc thực hiện sản xuất hữu cơ càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Cơ hội đang đến

Tỉnh ta hiện có gần 64.000ha đất trồng cây hằng năm, đất trồng lúa trên 47.000ha, đất trồng cây lâu năm trên 44.000ha. Thái Nguyên cũng có những thuận lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đó là: cửa ngõ vùng núi phía Bắc, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, hệ thống đường giao thông khá hoàn chỉnh nên rất thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa. Thái Nguyên còn là trung tâm Giáo dục và Đào tạo lớn thứ ba cả nước, nơi đào tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao, đặc biệt là về lĩnh vực nông nghiệp. Thế nên, Thái Nguyên có đầy đủ điều kiện để có thể thiết lập được mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi hoàn chỉnh từ nghiên cứu, sản xuất đến tiêu thụ. Đặc biệt, mới đây, Thái Nguyên được lựa chọn để triển khai thực hiện Đề án trọng điểm phát triển nông nghiệp hữu cơ của cả nước giai đoạn 2018-2025, đây chính là cơ hội để thời gian tới, Thái Nguyên có sự bứt phá về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Trước những cơ hội đó, tỉnh ta đã đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2017-2021, sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất 5.000ha chè ở các địa phương: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên và T.X Phổ Yên; 500ha rau ở huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, T.P Sông Công, T.P Thái Nguyên và T.X Phổ Yên và 250ha lúa ở Phú Bình theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện lồng ghép 2 Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có những chỉ tiêu cụ thể để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong vụ mùa năm nay, Công ty TNHH Một thành viên Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở xã Tân Đức (Phú Bình) nhằm bước đầu thay đổi tư duy, thói quen sản xuất lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ của bà con, hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, từng bước xây dựng thương hiệu gạo của địa phương nhằm cung cấp sản phẩm cho các trường học và các doanh nghiệp trong tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quế Lâm Phương Bắc cho biết: Để hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, chúng tôi đã áp dụng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật chọn giống, làm đất, trồng, chăm sóc, đồng thời, hướng dẫn người dân thường xuyên thăm đồng, áp dụng các biện pháp cơ giới để phòng, trừ dịch bệnh. Từ vụ sản xuất thứ 2, chúng tôi sẽ thu mua 50% sản phẩm gạo hữu cơ của bà con xã Tân Đức.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Để thực hiện được mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, theo ông Dương Sơn Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là cần có một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Có như vậy, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mới được bảo hộ, lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mới được bảo đảm. Trong khi chờ đợi có hành lang pháp lý đồng bộ, tỉnh ban hành quy trình tạm thời về sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện của tỉnh để thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh cần quy hoạch diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, lựa chọn một số loại cây trồng chủ yếu, đặc sản của tỉnh như: Chè, rau, lúa, cây ăn quả… để đầu tư sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao giá trị và phát triển nông nghiệp bền vững. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về giá trị của nông nghiệp hữu cơ, sử dụng rộng rãi các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong bữa ăn hằng ngày, nhất là tại các bếp ăn tập thể như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp…

Ngoài ra, ông Nguyễn Kim Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần NTEA còn cho rằng: Tỉnh cần xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là việc tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng, mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu. Hiện tại, vùng nguyên liệu của Công ty mới có 5ha, với mức tiêu thụ như hiện nay, Công ty vẫn đang thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là sắp tới Công ty đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài. Vì vậy, Công ty mong muốn tỉnh tạo điều kiện để mở rộng vùng nguyên liệu cùng với hỗ trợ vay vốn ưu đãi để tiếp tục đầu tư mở rộng phát triển sản xuất.

Ngược lại, về phía doanh nghiệp cũng cần áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng khu sơ chế, bảo quản sản phẩm có công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, chủ động triển khai đặt hàng cho nông dân sản xuất, quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn và tổ chức huấn luyện, hướng dẫn nông dân, có hợp đồng bao tiêu để bảo đảm quyền lợi cho nông dân trước những biến động của thị trường.

Cùng với trách nhiệm của nhà quản lý, doanh nghiệp thì trong chuỗi liên kết sản xuất, người nông dân không thể đứng ngoài cuộc, mà cần phải thay đổi căn bản cách thức sản xuất, bảo đảm về giống, quản lý tốt nguồn nước, môi trường.