Thời tiết đã bước vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí thấp, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Hiện, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, trong vòng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 41 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 46,45ha. Các vụ cháy chủ yếu ở rừng sản xuất, với các loại cây dễ cháy như: bạch đàn, thông, keo, mỡ… và những diện tích cây bụi, trảng cỏ, lau sậy. Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy rừng do người dân xử lý thực bì không đúng quy trình kỹ thuật, đốt lửa bắt ong trong rừng, trẻ em đốt lửa sưởi ấm ở rừng. Diện tích rừng có nguy cơ cháy cao chủ yếu là rừng trồng với các loài cây chủ yếu như: keo, bạch đàn, thông và rừng tự nhiên hỗn giao tre nứa - gỗ. Vì vậy, để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đạt hiệu quả, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn cho người dân về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; đồng thời, hướng dẫn bà con cách xử lý thực bì, tạo đường băng cản lửa.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Hà, Hạt trưởng kiêm Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Định Hóa là huyện miền núi có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, trên 35.543ha. Trong thời gian cao điểm mùa khô, chúng tôi duy trì trực cháy thường xuyên tại các địa phương; tăng cường tuần tra nhằm phát hiện kịp thời các điểm cháy và huy động lực lượng cứu chữa khi có cháy rừng xảy ra. Còn anh Hoàng Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Bình thì cho biết: Là địa bàn có địa hình chủ yếu là đồi bát úp trồng rừng sản xuất nên vào mùa khô rất dễ xảy ra cháy rừng. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các loại dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) như: Máy bơm nước, máy thổi gió, máy cắt thực bì, máy phun hóa chất, dao, đèn pin, giày tất, mũ... đảm bảo tối thiểu cho lực lượng tham gia chữa cháy. Cùng với đó, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng tới đông đảo người dân để bà con tích cực tham gia giữ rừng. Nhờ vậy, nhiều năm nay, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng.
Được biết, toàn tỉnh có hơn 185.525ha đất có rừng; trong đó, rừng tự nhiên hơn 77.451ha, rừng trồng 108.000ha; rừng trồng cây công nghiệp và đặc sản 42,16 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50%. Trong đó, vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trên địa bàn tỉnh được xác định hơn 178.000ha. Vì vậy, trong mùa khô năm nay, ngoài việc nâng cao ý thức người dân trong PCCCR, lực lượng Kiểm lâm tỉnh cũng trang bị đầy đủ vật tư để công tác PCCCR đạt hiệu quả. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 50 máy cắt thực bì, 14 máy thổi gió, 8 máy phun hóa chất, 33 cưa xăng, 5 máy bơm nước, 1.700 bàn dập lửa, 30 loa pin cầm tay, 12 chiếc bộ đàm, 35 máy định vị GPS, 2 lều bạt, 4 máy tính, 7 ống nhòm, 4.000 dao phát, 1.500 đôi giày… góp phần quan trọng trong việc dập tắt khi có đám cháy xảy ra. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ rừng - PCCCR thôn, bản cũng được kiện toàn, củng cố. Toàn tỉnh hiện có 1.327 tổ PCCCR với hơn 7.500 thành viên tham gia. Chị Nguyễn Thị Thái, ở xóm Na Rau, xã Phủ Lý (Phú Lương) cho biết: Nhà tôi có 10ha rừng. Vào mùa khô hanh, tôi thường thu dọn thực bì, lá khô để phòng cháy; đồng thời, chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
Đồng chí Vũ Văn Phán, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: Vào các tháng mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm), chúng tôi thực hiện thông báo kịp thời nội dung cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để các địa phương, chủ rừng và nhân dân biết, đặc biệt là khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Cấp dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng hàng ngày cũng được gửi đến các địa phương, đơn vị chủ rừng để chủ động trong công tác phòng cháy và tổ chức lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy. Ngoài ra, hằng năm, Chi cục còn phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổ chức tập huấn và diễn tập chữa cháy rừng nhằm nâng cao kiến thức và năng lực về công tác PCCCR; tổ chức thực hành sử dụng, bảo quản trang thiết bị, dụng cụ PCCCR. Trong trường hợp khi xảy ra cháy rừng, chính quyền địa phương cùng người dân phải huy động ngay lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy kịp thời. Đồng thời, phải nhận định các yếu tố như: điểm đầu đám cháy, tốc độ lan tràn của đám cháy, loại vật liệu cháy, nguồn nước có thể lấy để chữa cháy, các điều kiện ảnh hưởng đến đám cháy… để đưa ra giải pháp chữa cháy phù hợp.