Những năm gần đây, bên cạnh việc tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, chế biến chè nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế thì công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè cũng đang được người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng chú trọng.
Những ngày cuối năm, không khí sản xuất tại làng nghề chè Tiên Trường 1, xã Tiên Hội (Đại Từ) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Hiện bà con nông dân đang tập trung thu hái, chế biến và đóng gói sản phẩm chè để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Dẫn chúng tôi đi thăm những nương chè xanh mơn mởn đang kỳ thu hái, ông Trần Xuân Hoa, Trưởng xóm Tiên Trường 1 chia sẻ: Nghề trồng và chế biến chè đã gắn bó với người dân trong xóm từ những năm 1960. Trước đây, bà con chủ yếu trồng giống chè trung du nên năng suất và giá trị kinh tế thấp, đời sống của người làm chè gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng các loại chè lai năng suất cao. Đến nay, xóm có 40ha chè các loại, trong đó trên 30ha chè đã được thay thế bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao như: Bát Tiên, Kim Tuyên, TRI 777, LDP1... Đặc biệt, từ năm 2016, người dân trong xóm đã chủ động áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn theo theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, trên 80% hộ làm chè trong xóm đều áp dụng phương pháp sản xuất chè an toàn với diện tích trên 30ha. Nhờ thực hiện tốt các quy trình từ trồng, chăm sóc đến thu hái, sao vò và lấy hương nên chất lượng và giá trị sản phẩm chè của người dân ngày càng được nâng lên. Nếu như trước đây, sản phẩm chè của người dân trong xóm chỉ bán được 100.000-120.000 đồng/kg, thì nay, mỗi kg chè thành phẩm có giá từ 150.000-200.000 đồng. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn sản xuất được chè đặc sản với giá bán từ 280.000-350.000 đồng/kg. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình trong xóm đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá từ cây chè.
Rời xóm Tiên Trường 1, chúng tôi tìm đến xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), một trong những địa phương tiên phong của huyện Đồng Hỷ trong việc chuyển đổi cơ cấu giống chè, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là quy trình trồng và chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, xóm có 126 hộ dân thì 120 hộ gắn bó với nghề làm chề với diện tích gần 100ha. Trong đó, 85ha được trồng và chế biến theo quy trình VietGap. Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Thanh Khoa, người dân xóm 5 cho biết: Hiện nay, chúng tôi đã dùng các loại phân bón sinh học và phân hữu cơ thay vì phân hóa học như trước kia; đồng thời, chuyển từ sử dụng thuốc trừ sâu hóa học sang dùng các loại thuốc trừ sâu thảo mộc... Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi cũng dùng một cách cẩn thận, đúng liều lượng và thời gian cách ly theo quy định. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm chè đã được nâng lên rõ rệt. Ngày càng có nhiều khách hàng tin tưởng và yên tâm sử dụng sản phẩm chè an toàn của chúng tôi. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hái được trên 2 tấn chè búp khô các loại với giá bán 250.000 đồng/kg (cao hơn trước đây 100.000 đồng/kg). Điều đặc biệt là từ khi áp dụng quy trình VietGAP, sản phẩm chè của gia đình tôi làm ra đến đâu đều các đại lý đặt hàng tiêu thụ hết ngay đến đó.
Với trên 21 nghìn ha chè, Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn thứ 2 cả nước (sau Lâm Đồng). Phát huy tiềm năng và lợi thế đó, những năm gần đây, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều chính sách nhằm khuyến khích người nông dân đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm chè theo hướng sản xuất an toàn, chất lượng cao. Cụ thể như: Chính sách hỗ trợ giá giống các loại chè lai giâm cành; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc và chế biến chè, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản chè như: máy tưới chè bằng van xoay, máy sao chè bằng gas, máy hút chân không... Nhờ đó, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè trong vài năm trở lại đây đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như trước đây, tình trạng người nông dân sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học một cách tràn lan thì nay, phần lớn người trồng chè đã thay thế bằng các loại phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học... Khâu thu hoạch, bảo quản chè búp tươi cũng người dân chú trọng hơn nên chất lượng sản phẩm chè búp khô ngày càng được nâng lên. Hiện nay, sản phẩm chè Thái Nguyên không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài như: Pakistan, Trung Quốc và các tiểu Vương quốc Ả Rập... Đặc biệt, khoảng 1-2 năm trở lại đây, sản phẩm chè của chúng ta đã thâm nhập được vào một số thị trường nước ngoài khó tính như: Đài Loan, Nga, Mỹ, Anh... Trung bình mỗi năm toàn tỉnh xuất khẩu trên 8 nghìn tấn chè các loại, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 11 triệu USD.
Tính đến tháng 11-2017, diện tích chè toàn tỉnh đạt trên 21,3 nghìn ha, trong đó diện tích chè giống mới 14,4 nghìn ha, chiếm 67,5% tổng diện tích; năng suất bình quân đạt 112,6 tạ/ha/năm, tăng 1,7 tạ/ha so với năm 2016; sản lượng chè búp tươi đạt trên 211 nghìn tấn/năm, tăng 9.200 tấn so với năm 2016. Toàn tỉnh hiện có 63 cơ sở sản xuất chè VietGAP với tổng số 2.100 hộ tham gia; diện tích đã được chứng nhận 735ha; sản lượng chè búp tươi đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 8.000 tấn. Sản xuất theo quy trình VietGAP đạt giá trị và thu nhập cao hơn 15-20% so với sản xuất thông thường. Bên cạnh đó, sản phẩm chè của tỉnh ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng tăng nên đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Giá sản phẩm chè Thái Nguyên tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và cao hơn giá xuất khẩu. Hiện nay, giá chè búp khô bình quân từ 120-220 nghìn đồng/kg; chè đặc sản từ 280.000-450.000 đồng/kg; chè đặc sản cao cấp có giá 2,5-3 triệu đồng/kg... Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng chè đạt 120 triệu đồng/năm, tăng 38 triệu đồng/ha so với năm 2011.