Phú Lương hiện có số làng nghề chè nhiều nhất tỉnh, với 35 làng nghề. Thời gian qua, chè luôn là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Để khẳng định vị thế của cây chè, quảng bá sản phẩm, đồng thời tôn vinh những người làm chè, năm nay, huyện Phú Lương tổ chức Lễ hội Vinh danh các làng nghề chè lần thứ nhất. Cũng thông qua việc tổ chức Lễ hội, người dân các làng nghề tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, nâng tầm thương hiệu sản phẩm chè của địa phương.
Phú Lương là huyện có diện tích chè đứng thứ 2 của tỉnh, với trên 4.300ha. Để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm chè, những năm qua, được sự định hướng, hỗ trợ của tỉnh, huyện, người trồng chè trên địa bàn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: Đưa các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng (toàn huyện hiện có trên 40% diện tích là chè cành với các giống chủ yếu như LDP1, TRI777…); đẩy mạnh sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap (trên địa bàn huyện có 9 tổ sản xuất chè an toàn với tổng diện tích gần 130ha); đầu tư máy móc vào trồng, chế biến, chăm sóc và bảo quản chè... Nhờ đó, năng suất, sản lượng chè của huyện ngày càng được nâng cao (năng suất chè đạt 120 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 44.000 tấn), góp phần vào giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương (trong đó có gần 6.000 lao động tại các làng nghề), thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Theo lãnh đạo huyện Phú Lương, để đạt được những kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của những người dân làm chè. Ghi nhận sự đóng góp đó, đồng thời nhằm quảng bá sản phẩm chè của huyện, trong hai ngày 16 và 17-11, huyện Phú Lương tổ chức Lễ hội Vinh danh các làng nghề chè lần thứ nhất. Đồng chí Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Phú Lương hiện có số làng nghề chè nhiều nhất tỉnh. Xuất phát từ thực tế đó, Lễ hội vinh danh các làng nghề chè có thể hiểu là việc tổng kết chương trình phát triển chè của huyện trong một năm. Ở Lễ hội này, tất cả những sản phẩm chè ngon nhất, tốt nhất sẽ được trưng bày; những phương pháp chế biến, quy trình sản xuất chè ưu việt nhất sẽ được tôn vinh và những nghệ nhân giỏi sẽ được vinh danh... Lễ hội này xuất phát từ nhân dân, lấy người làm chè, làng nghề chè là chủ thể để tổ chức các hoạt động, cụ thể như: Cuộc thi “Bàn tay vàng”; thi “kỹ năng pha trà, mời trà”; Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm chè Phú Lương”;…
Lễ hội Vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương lần thứ nhất năm 2017 là ngày hội của những người làm chè trên địa bàn. Từ Lễ hội này, mục tiêu của huyện Phú Lương là dần thay đổi nhận thức của người dân về tập quán canh tác với cây chè, tiếp tục tập trung đầu tư có kế hoạch, định hướng, từ đó nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phẩm cấp chè, khẳng định tên tuổi của chè Phú Lương ra thị trường trong và ngoài nước. Với mục tiêu đó, hướng tới Lễ hội Vinh danh, người làm chè ở Phú Lương đã ra sức thi đua sản xuất để tạo ra những nương chè đẹp, sản phẩm chè thơm ngon. Cụ thể như: Vừa qua đã có nhiều cá nhân, tổ chức mạnh dạn sản xuất bột trà xanh mát cha - dòng sản phẩm hảo hạng có nhiều công dụng được chiết suất từ những búp chè xanh, bán với giá từ 1-1,5 triệu đồng/kg.
Đồng chí Phạm Bình Công cho biết thêm: Diện tích và sản lượng chè Phú Lương đứng thứ 2 trên địa bàn tỉnh nhưng sản phẩm chè của huyện lại chưa có chỗ đứng trên thị trường. Trong khi đó, một thực tế cho thấy, không ít sản phẩm chè của huyện lại được thương lái thu mua với giá ngang bằng với nhiều sản phẩm chè nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Dù vậy, xét trên mặt bằng chung thì người làm chè của huyện chưa biết nâng cao phẩm cấp sản phẩm quê mình, chưa có sự đầu tư quy mô cho cây chè. Do đó, qua Lễ hội này, người dân sẽ dần thay đổi nhận thức, có định hướng, mạnh dạn đầu tư, sản xuất những sản phẩm chè ngon, đảm bảo an toàn, chất lượng hảo hạng cung ứng ra thị trường.
Mặc dù đã được xác định là sản phẩm nông nghiệp quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế chung của huyện, song thực trạng cây chè của Phú Lương vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế. Đó là chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm chè chưa tương xứng với tiềm năng; sản xuất vẫn theo phương pháp thủ công; mô hình sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao còn rất ít; cơ sở hạ tầng vùng sản xuất chè chưa được đầu tư đồng bộ… Từ thực tế này, việc thực hiện tái cơ cấu để nâng cao giá trị cây chè đang là nhiệm vụ cấp thiết mà huyện Phú Lương đã và đang thực hiện. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Phú Lương, giai đoạn 2016-2020”.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của huyện Phú Lương trong Đề án Tái cơ cấu là nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, tạo sức cạnh tranh và phát triển bền vững các sản phẩm chè; tập trung hỗ trợ sản xuất và chứng nhận sản xuất chè an toàn; tăng cường công tác xúc tiến thương mại; phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 65% diện tích là chè giống mới có năng suất, chất lượng cao. Về giải pháp thực hiện, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã khẳng định: Huyện sẽ tập trung vào việc tăng cường đưa các giống mới cho năng suất và chất lượng cao vào trồng, từ đó áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất; nhân rộng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap (phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có trên 10% diện tích chè được chứng nhận sản xuất an toàn); hình thành liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm chè; quy hoạch lại các vùng sản xuất theo hướng kiểm soát sản lượng, tăng chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân từng bước xây dựng thương hiệu và quảng bá cho sản phẩm chè của địa phương.