Năm 2016, sản phẩm hoa đào Cam Giá trồng ở phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay, việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể hoa đào Cam Giá đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho những người trồng đào.
30 năm trước, hoa đào được một số người dân Cam Giá mang giống từ những vườn đào Nhật Tân về để trồng làm cảnh, coi như một thú vui. Dần dần, nhiều nhà có đào đẹp được người dân các nơi hỏi mua, mang lại hiệu quả về kinh tế khá lớn nên nhiều hộ dân tại phường Cam Giá đã chuyển từ cây trồng cho thu nhập thấp sang trồng đào để có thu nhập cao hơn. Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Giá cho biết: Thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cùng với sự cần cù chịu khó của người dân nên hoa đào đất Cam Giá dần được người dân các nơi biết đến. Hiện nay, tại phường có 227 hộ trồng đào với diện tích 8,5ha. Tuy nhiên, do không có thương hiệu nên việc cạnh tranh với các thương hiệu có tiếng như đào Nhật Tân (Hà Nội), Hưng Yên… là tương đối khó khăn.
Để giúp người dân nâng cao giá trị của cây hoa đào, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND phường Cam Giá xây dựng nhãn hiệu tập thể hoa đào Cam Giá. Mục đích là đảm bảo quyền sử dụng nhãn hiệu hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm. Để quản lý và sử dụng nhãn hiệu có hiệu quả phường đã thành lập Ban Quản lý nhãn hiệu hoa đào Cam Giá. Ban Quản lý đã phối hợp với các hợp tác xã, hội sinh vật cảnh để tổ chức tuyên truyền đến hội viên và các hộ dân trồng đào trên địa bàn phường về vị trí, tầm quan trọng, lợi ích của việc xây dựng thương hiệu đối với việc tìm kiếm đầu ra của sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ: Khi tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể hoa đào Cam Giá, các nhà vườn sẽ có quyền lợi như được sử dụng hợp pháp nhãn hiệu tập thể trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch; được tham gia các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến thương mại; được giám sát hoạt động quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, khi có tranh chấp xảy ra các nhà vườn được Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu tập thể. Từ đó, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể hoa đào Cam Giá, thu nhập của người trồng đào đã tăng lên đáng kể. Năm 2017, thu nhập của những người trồng đào được công nhận nhãn hiệu tập thể hoa đào cam giá là 11 tỷ đồng, trong đó có 12 hộ thu nhập từ 200-800 triệu đồng, 22 hộ có thu nhập từ 100-150 triệu đồng... Diện tích đất trồng đào đã tăng gấp đôi so với năm 2015. Nếu như những năm trước, việc quảng bá thương hiệu đào chủ yếu qua truyền miệng, thì từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, các nhà vườn đã biết sử dụng hình thức quảng cáo qua pano, áp phích, trên cây đào có thông tin đầy đủ nhà vườn, số điện thoại liên hệ, một số nhà vườn còn thực hiện giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội…
Nói về hiệu quả của việc tham gia nhãn hiện tập thể, anh Lê Minh Sơn, tổ 10, một hộ dân trồng đào tại phường Cam Giá chia sẻ: Sau khi tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể, số lượng khách hàng biết đến thương hiệu của chúng tôi đã tăng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia đình tôi đã đầu tư số lượng gốc đào gấp đôi so với năm 2016… Hiện nay, gia đình tôi có 800 gốc đào, với đa dạng các giống đào bích, đào phai, đào mốc, đào bạch… doanh thu một năm trên 300 triệu đồng. Còn anh Đỗ Văn Tiến, tổ 9, chủ nhà vườn có 300 gốc đào cho hay: Để đáp ứng sở thích của khách hàng, từ 1 năm nay tôi tập trung đầu tư trồng các cây đào thế, đào cổ thụ mà khách hàng ưu chuộng. Nhờ vậy, đào của gia đình tôi được khách hàng đặt mua hết tại vườn từ trước dịp Tết.
Không thể phủ nhận hiệu quả từ việc xây dựng nhãn hiệu hoa đào Cam Giá, tuy nhiên việc đưa thương hiệu có thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác duy trì các cuộc họp, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà vườn tham gia sử dụng nhãn hiệu còn chưa thường xuyên, các nhà vườn chưa có sự liên kết với nhau; một số nhà vườn còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ và sử dụng nhãn hiệu; tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra. Thiết nghĩ, để nâng cao năng lực cạnh tranh của hoa đào Cam Giá cần phải tăng cường công tác quản lý nhãn hiệu tập thể hoa đào Cam Giá, nghiên cứu kỹ thị trường để định hướng sản phẩm phù hợp đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng và chăm sóc cây; đẩy mạnh các hoạt động mở rộng thị trường, tuyên truyền quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng Website của làng nghề để quảng bá rộng rãi thương hiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.