Đứng từ dãy núi cao nhìn xuống, vùng trồng ổi ở xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) biếc một màu xanh tít tắp. Với khoảng 50ha, trải dài trên địa bàn 8 xóm, hàng năm, vùng trồng ổi này cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn quả. Ổi trồng ở đây có vị ngọt đậm, thơm và giòn, được người tiêu dùng ưa chuộng và tự đặt cho cái tên “Ổi Linh Sơn”...
Đi cùng với chị Nguyễn Thị Thùy Linh, cán bộ khuyến nông xã Linh Sơn, chúng tôi đến thăm vườn ổi của gia đình anh Liễu Văn Tư, ở xóm Thanh Chử. Mặc dù thời gian này không phải là chính vụ nhưng những cây ổi trong vườn vẫn sai lúc lỉu, quả nào cũng được bọc ni lông cẩn thận. Anh Tư dừng việc chăm sóc cây, chọn hái những quả ổi chín niềm nở mời khách. Cảm giác thật tuyệt khi chúng tôi được thưởng thức những quả ổi mọng nước, ngọt đậm đà ngay tại vườn.
Anh Tư chia sẻ: Trước đây, tôi vất vả lắm, phải lăn lộn khắp các bãi vàng kiếm sống, sau đó về nhà chăn nuôi lợn cũng bị thất bại. Nhận thấy vùng đất này hợp với cây ổi, tôi bàn với vợ vay tiền mua thêm đất ruộng rồi cải tạo, tôn thêm đất mới và mua ổi giống từ tỉnh Hưng Yên về trồng. Giống ổi này cho quả giòn, ngọt, lõi lại không bị mềm... Trong quá trình trồng, chăm sóc ổi, anh Tư luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những hộ trồng trước đó nên vườn ổi nhà anh cho thu nhập ổn định quanh năm. Chỉ ra vườn ổi trước mặt, anh bảo: Vườn ổi này tôi trồng được gần 1 năm nay nhưng đã cho thu hoạch vụ đầu, mỗi cây trung bình có khoảng 20 quả, còn vườn phía trên trồng trước đó 3 năm nên cho thu quả ổn định quanh năm. Tính cả vườn ổi lớn, bé mỗi năm gia đình tôi cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn quả. Với giá bán lúc thấp nhất là 15.000 đồng/kg, cao gần 40.000 đồng/kg (vào những dịp cuối năm), mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng...
Rời nhà anh Tư, chúng tôi đến thăm vườn ổi của gia đình bà Trương Thị Ba, cũng ở xóm Thanh Chử. Vườn ổi của bà Ba cao hơn 2 tầm với, cây nào cũng sai quả, bà Ba cho biết: Khu vườn này có diện tích khoảng một mẫu, trước đây gia đình tôi đã trồng đủ loại cây, nhưng rồi hiệu quả mạng lại không cao, năm 2012, gia đình quyết định cải tạo lại đất trồng ổi, bốn năm trở lại đây vườn ổi cho thu nhập ổn định, khoảng 200 đến 250 triệu đồng/năm... Chị Linh khẳng định, hiện nay tính giá trị thu nhập bình quân trên một diện tích đất nông nghiệp thì cây ổi trên địa bàn xã cho giá trị kinh tế cao nhất, khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, nếu so với cây lúa thì phải gấp tới hàng chục lần. Bởi thế hiện nay trên địa bàn bà con phát triển diện tích khá lớn, gần 200 hộ trồng, với diện tích khoảng 50ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chu Việt, Chủ tịch UBND xã Linh Sơn cho biết: Linh Sơn là vùng đất trung du miền núi, trong đó 80% người dân sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây ổi, tận dụng lợi thế này, trong những năm qua, chúng tôi chú trọng phát triển cây trồng trên và coi đây là cây trồng mũi nhọn. Ngoài việc khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích, chúng tôi cũng đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con nâng cao chất lượng vườn ổi để cho ra sản phẩm ổi sạch đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đối với cây ổi trước đây chỉ có vài hộ gia đình trồng tự phát, đến năm 2008, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ mời Học viện nghiên cứu Nông nghiệp Việt Nam trồng thử nghiệm 10 ha ổi tại xã, thấy được giá trị kinh tế cao từ mô hình, từ đó hằng năm Đảng bộ xã xây dựng chỉ tiêu phát triển diện tích trồng ổi vào nghị quyết hằng năm. Bởi vậy trong những năm qua, diện tích trồng ổi tại xã tăng nhanh, từ khoảng 3ha năm 2004 đến nay đã tăng lên trên 50ha.
Đến vùng ổi, tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, do chất lượng quả tốt, nguồn cung chưa đáp ứng đủ cầu nên người trồng ổi vẫn tự sản xuất, tự tiêu thụ mà không gặp khó khăn. Thậm chí hiện nay lợi dụng sản phẩm ổi Linh Sơn đã có tiếng một số tiểu thương đã lợi dụng lấy ổi ở vùng khác và tự quảng cáo là ổi Linh Sơn để bán cho dễ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ổi Linh Sơn. Một vấn đề nữa chúng tôi băn khoăn khi đến thăm các vườn ổi, nếu diện tích ổi phát triển quá nhanh thì có sẽ có nguy cơ thừa ế như một số cây trồng ở nhiều địa phương khác.
Chúng tôi mang băn khoăn hỏi ông Nguyễn Chu Việt, ông Việt cho chia sẻ thêm: Hiện nay chúng tôi đã quy hoạch các vùng phát triển cây nông nghiệp. Chẳng hạn, phát triển trồng củ đậu tại xóm Núi Hột, trồng rau an toàn tại xóm Ngọc Lâm và Bến Đò. Còn đối với cây ổi, để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm trong tương lai ổn định, nhất là trong điều kiện diện tích trồng ổi tiếp tục tăng lên nhanh chóng như hiện nay, chúng tôi đã hướng cho người dân trồng ổi không phát triển thêm diện tích mà hướng vào việc nâng cao chất lượng vườn quả. Chúng tôi cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể ổi Linh Sơn. Trong đó chúng tôi vận động người dân tham gia vào tổ hợp tác sản xuất, tiến tới hình thành hợp tác xã để xây dựng nhãn hiệu ổi Linh Sơn, qua đó giúp người dân chăm sóc cây trồng cùng một quy trình, kỹ thuật sản xuất bảo đảm cho ổi đạt chất lượng ngon và an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, vì hiện nay người nông dân chăm sóc ổi dựa theo kinh nghiệm là chủ yếu. Chúng tôi cũng mong rằng thời gian tới ngành Nông nghiệp hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho nông dân vùng trồng ổi, tổ chức các lớp tập huấn, cho nông dân đi tham quan mô hình trồng ổi nơi khác để bà con có thêm kinh nghiệm chăm sóc vườn ổi. Đồng thời, mong muốn cấp trên quan tâm, tạo điều kiện quy hoạch đầu tư xây dựng chợ cho xã Linh Sơn để bà con trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm ổi nói riêng và nông sản nói chung thuận lợi, vì hiện nay nông dân trên địa bàn làm ra sản phẩm nông sản nhưng không có chợ bán hàng, phải chuyên chở sang chợ Thái nhưng lại không có nơi bán hàng ổn định.