Nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

09:24, 29/11/2017

Năm 2016, Vô Tranh là một trong hai xã (cùng với Yên Đổ) của huyện Phú Lương đã về đích nông thôn mới. Mặc dù vậy, xã Vô Tranh tiếp tục đầu tư, đóng góp đối ứng tiền của và sức lao động nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: Hết năm 2016, xã Vô Tranh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dù vậy, thời điểm đó, trong 19 tiêu chí, địa phương vẫn còn 3 tiêu chí đạt non (tức đang triển khai thực hiện), gồm: Nhà văn hóa xã, Trường học và Chợ. Đây đều là những tiêu chí phụ thuộc chính vào nguồn hỗ trợ của tỉnh nên địa phương chỉ có thể thực hiện khi được cấp kinh phí. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 2 tiêu chí là chợ và nhà văn hóa xã đã hoàn thiện từ giữa năm. Còn với tiêu chí trường học, hiện nay, đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thiện trong năm nay.

Bên cạnh việc hoàn thiện những tiêu chí còn đạt non, bước sang năm 2017, xã Vô Tranh đã tập trung các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, trong đó, địa phương đặc biệt chú trọng đến tiêu chí giao thông và thu nhập. Từ đầu năm đến nay, chính quyền xã Vô Tranh đã huy động các xóm có đủ nội lực đóng góp đối ứng, hiến đất làm đường, phấn đấu các tuyến đường trục xóm đều được đổ bê tông. Thực hiện tiêu chí này, người dân ở 5 xóm, gồm: Trung Thành 1, Trung Thành 2, Thống Nhất 3, Tân Bình 1 và Tân Bình 2 đã đăng ký làm đường bê tông trục xóm với tổng chiều dài hơn 2km. Đến nay, các xóm trên đã nộp xong tiền đối ứng, đang tiến hành giải phóng mặt bằng để làm đường bê tông.

Anh Đỗ Văn Đường, Trưởng xóm Tân Bình 1 cho biết: Xóm chúng tôi chỉ cần làm gần 250m đường này là 100% tuyến đường trục xóm, liên xóm được bê tông hóa. Cả xóm Tân Bình 1 và Tân Bình 2 đều được hưởng lợi nên nhân dân hai xóm cùng chung nhau làm. Với 437 nhân khẩu ở hai xóm, bình quân mỗi nhân khẩu đóng góp 262.000 đồng, tổng số tiền thu được hơn 114 triệu đồng. Nhờ sự đồng thuận của bà con nên từ việc giải phóng mặt bằng và thi công tuyến đường của xóm đã hoàn thành chỉ trong vòng một tuần.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, xác định chè là cây trồng cho giá trị kinh tế cao (cả xã có gần 700ha chè) nên địa phương đã tập trung đầu tư. Trong năm qua, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện hỗ trợ 50% kinh phí, nhiều hộ dân trồng chè trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư mua tôn quay, máy vò bằng innox, hệ thống tưới chè bằng van xoay tự động… thay thế cho những tôn quay, máy vò bằng sắt trước đây. Toàn xã hiện có khoảng gần 50% số hộ trồng chè sử dụng tôn quay, máy vò bằng innox (tăng 15% số hộ so với năm trước). Việc đầu tư máy móc vào sản xuất chè sẽ góp phần nâng cao mẫu mã sản phẩm chè, từ đó giá bán sẽ được tăng lên. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm chè, địa phương còn khuyến khích bà con thực hành sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục công nhận làng nghề chè truyền thống. Hiện nay, toàn xã đã có 2 tổ sản xuất chè an toàn được công nhận với diện tích 25ha (tăng 15ha so với năm ngoái); 12 làng nghề chè đã được công nhận (tăng 3 làng nghề so với năm 2016)…

Nói về hiệu quả khi sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, ông Nguyễn Tiến Hiệp, người dân xóm Trung Thành 2 cho biết: Gia đình tôi có 3.000m2 chè đều tham gia sản xuất theo quy trình an toàn. Với diện tích này, trước đây, mỗi lứa, gia đình tôi thu hái được khoảng trên 1 tạ chè búp khô, bán với giá bình quân các tư thương thu mua là 80.000-100.000 đồng/kg và chỉ bán ra thị trường tỉnh khác được khoảng 30 kg/tháng. Tuy nhiên, từ khi gia đình tôi thực hiện sản xuất chè an toàn, khách hàng ở ngoài tỉnh biết đến nên sản xuất đến đâu họ đều thu mua hết đến đó. Bình quân mỗi tháng, gia đình đã bán được trên 1 tạ chè búp khô, với giá từ 180.000-200.000 đồng/kg.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển cây chè, xã Vô Tranh còn khuyến khích bà con tiếp tục duy trì, thành lập mới các mô hình, trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả. Trong năm, xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện triển khai thực hiện hai mô hình cánh đồng một giống với giống lúa Thiên Ưu quy mô 9ha và mô hình lúa lai quy mô 6ha. Theo đánh giá, mô hình này cho năng suất cao hơn từ 4-5 tạ/ha so với các giống lúa bà con gieo cấy trước đây… Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn xã. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân của xã đạt 29 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã đạt trên 32 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân, các tiêu chí như: Môi trường, y tế, an ninh trật tự… cũng được xã Vô Tranh tiếp tục duy trì, chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Trong đó đáng chú ý là tiêu chí Môi trường. Trong khi ở nhiều địa phương khác khi đã hoàn thành tiêu chí này thì chủ quan không đầu tư, còn ở Vô Tranh thì địa phương vẫn tích cực tuyên truyền, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể phát động, ra quân bảo vệ môi trường. Từ đó, người dân ở 25 xóm trên địa bàn xã đều thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải theo quy định mỗi tháng 1 lần. Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm: Từ năm 2017 trở đi, các xã xây dựng nông thôn mới sẽ phải thực hiện theo Bộ tiêu chí mới của tỉnh, các tiêu chí đòi hỏi cao hơn. Do đó, địa phương sẽ phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện, phấn đấu đến năm 2019, xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Hiện nay, địa phương đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch và xây dựng kế hoạch để thực hiện Chương trình trong năm 2018 và những năm tiếp theo.