Phú Xuyên phát triển cây trồng mũi nhọn

09:36, 29/11/2017

Những năm gần đây, chè đã trở thành cây trồng mũi nhọn, được nhân dân xã Phú Xuyên (Đại Từ) quan tâm đầu tư thâm canh mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng, giá bán sản phẩm.

Xã Phú Xuyên có 18 xóm với 1.890 hộ dân. Đây là vùng đất có nhiều đồi núi thấp, sông, suối, ao, hồ xen kẽ nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây chè. Loại cây trồng này đã xuất hiện tại địa phương từ lâu, song trước đây là giống chè trung du được trồng lâu năm đã già cỗi, năng suất thấp, thu nhập không đáng kể. Chỉ khoảng chục năm trở lại đây, người dân Phú Xuyên mới thực sự nhận thức rõ giá trị của cây chè. Đồng chí Dương Văn Thơm, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Từ khi xác định chè chính là cây trồng để xóa đói, giảm nghèo, xã đã có chủ trương phát triển sản xuất chè theo hướng hàng hóa, tập trung nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Để nâng cao sản lượng chè hàng năm, nhân dân trong xã không ngừng mở rộng diện tích trồng chè. Từ chỗ cây chè chỉ được trồng ở những sườn đồi có độ dốc cao, đất cằn, khó trồng các loại cây khác, bà con đã đưa cây chè vào trồng trong vườn, bãi và những thửa ruộng cao, ít nước, cấy lúa kém hiệu quả. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, diện tích chè ở đây đã tăng khoảng 100ha. Hiện nay, cả xã có trên 300ha, trong đó có trên 200ha chè kinh doanh. Cùng với việc nhân rộng diện tích chè, để tăng năng suất, xã đã thực hiện chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng các giống chè lai (như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...).

Tính riêng năm 2017, toàn xã trồng được 20ha chè giống mới, đạt 142% kế hoạch, nâng tỷ lệ chè giống mới của xã lên 70% diện tích. Nhờ đó, năng suất chè của xã đã tăng từ 90 tạ/ha (năm 2013) lên trên 100 tạ/ha/năm (hiện nay). Việc sản xuất thêm chè vụ đông cũng đóng góp không nhỏ vào sản lượng chè hằng năm ở địa phương. Đi dọc những nương chè xanh mướt thuộc các xóm Chính Phú, Tân Lập, chúng tôi được thỏa sức ngắm nhìn những nương chè bát ngát tủa búp xanh mơn mởn. Mặc dù đã vào đông nhưng chè ở đây vẫn liên tục cho thu hoạch.

Ông Bàn Văn Phúc, ở xóm Chính Phú 1 cho biết: Nếu như vào thời điểm này khoảng chục năm trước, chè ở đây hoàn toàn không cho thu hoạch, bà con sau khi hái xong lứa cuối chè vụ thu là đốn bằng chờ đến mùa xuân năm sau, khi thời tiết bắt đầu có mưa, chè mới ra búp. Nhưng giờ đây, những nương chè này cho thu hoạch đều đặn mỗi năm 7-8 lứa.

Một trong những yếu tố quan trọng để sản xuất được chè vụ đông là nguồn nước tưới. Về điểm này, xã Phú Xuyên có nhiều lợi thế, bởi trên địa bàn có nhiều ao, hồ, suối. Với tổng cộng 3 con suối bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo với tổng chiều dài 9km, đặc biệt có hồ Vai Bành rộng và thường xuyên có nước. Tổng diện tích mặt nước của xã là gần 33ha. Tận dụng thế mạnh này, bà con trong xã đã lắp đặt hệ thống tưới chè tự động bằng van xoay, hiện nay trên địa bàn xã có đến trên 60% diện tích chè đã được lắp hệ thống tưới tự động. Điều này đã hỗ trợ đắc lực cho bà con có điều kiện thuận lợi để sản xuất thêm vụ chè đông. Nhờ đó, sản lượng chè của xã đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, năm 2016, sản lượng chè búp tươi đạt trên 2.100 tấn, tăng 300 tấn so với năm 2013.

Bà Triệu Thị Cúc, ở xóm Tân Lập cho biết: Để chè đạt năng suất cao, hằng năm, tôi đều tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do huyện tổ chức, đồng thời tích cực tham khảo qua các phương tiện thông tin đại chúng và quyết định phá bỏ chè giống cũ để trồng toàn bộ diện tích 5 sào của gia đình bằng giống chè cành LDP1. Đến nay, diện tích chè trồng thay thế cũng đã được hơn 6 năm, đang cho thu hoạch, năng suất đạt 18-20 kg/sào/lứa. Ngoài ra, tôi còn lắp đặt hệ thống van xoay tưới chè để giảm bớt nhân công, đỡ vất vả trong khâu chăm sóc, nên làm thêm được vụ chè đông.

Cùng với tăng năng suất, sản lượng chè, xã còn tập trung nâng cao chất lượng để tạo dựng thương hiệu, nâng giá bán sản phẩm chè Phú Xuyên thông qua việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP vào sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào chế biến. Hiện nay, trên địa bàn xã có 3 làng nghề chè: Chính Phú 1, 2, 3. Tại đây, các hộ dân làm chè đã thành lập nên tổ hợp tác Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn. Được thành lập tháng 8 năm 2013, ban đầu Tổ chỉ có 49 thành viên, diện tích sản xuất trên 11ha, số lao động làm việc thường xuyên khoảng 100 người. Với sự nhiệt tình, sáng tạo, các thành viên Tổ hợp tác luôn tìm tòi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng. Từ chỗ sản lượng chè của Tổ chỉ đạt 13,5 tấn vào năm 2014, đến năm 2016 đã tăng lên gần 25 tấn và điều quan trọng là sản phẩm làm ra luôn bảo đảm về chất lượng, được thị trường ưa chuộng, từng bước xây dựng thương hiệu...

Có thể nói, chè đã thực sự trở thành cây trồng xóa đói, giảm nghèo đối với bà con ở Phú Xuyên. Nhờ cây chè, đời sống của người dân trong xã không ngừng được nâng cao, nếu như năm 2013, thu nhập bình quân của nhân dân trong xã đạt khoảng 18 triệu đồng/người/năm, thì năm 2016 đã tăng lên trên 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 10%.