Luật Thú y có hiệu lực từ tháng 7-2016 quy định việc giết mổ động vật bắt buộc phải thực hiện tại các cơ sở giết mổ tập trung; trường hợp ở vùng nông thôn, miền núi hải đảo, vùng dân tộc thiểu số chưa có cơ sở giết mổ tập trung thì thực hiện tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ nhưng đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Tuy nhiên, thực tế có rất ít địa phương đáp ứng được điều kiện này.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.167 hộ kinh doanh giết mổ. Trong đó, giết mổ tại hộ chăn nuôi là 527 hộ và giết mổ tại hộ kinh doanh 640 hộ. Đầu năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành kiểm tra 43 cơ sở hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, có 37 cơ sở đang hoạt động. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, 31/37 cơ sở có nơi giết mổ chật hẹp, giết mổ ngay trên nền sàn, nằm gần khu dân cư... không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Chỉ có 6/37 cơ sở đạt, nếu được sửa chữa, nâng cấp có thể đáp ứng yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y trong giết mổ động vật.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai cho 6 hộ kinh doanh giết mổ sửa chữa, nâng cấp thành cơ sở giết mổ động vật tạm thời. Tính đến tháng 8-2017, đã có 4 cơ sở giết mổ động vật đi vào hoạt động, gồm: Cơ sở giết mổ An Khang tại phường Quang Vinh; Cơ sở giết mổ Dũng Phượng, tại phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên; Cơ sở giết mổ Tiến Hảo, tại thị trấn Đại Từ và Cơ sở giết mổ động vật tại Cầu Mây, huyện Phú Bình. Số động vật được cơ quan Thú y kiểm tra trước và sau khi giết mổ gồm 4.524 con lợn và 8.550 con gia cầm. Tất cả sản phẩm động vật trên được cơ quan thú y đóng dấu và cấp giấy chứng nhận sản phẩm động vật đã thực hiện kiểm soát giết mổ.
Thực hiện theo Phương án quản lý giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra các hộ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tại 14 chợ, số hộ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật: 357 hộ. Trong đó: Hộ kinh doanh động vật sống (gà, vịt, chim) 24 hộ; sản phẩm động vật tươi sống (thịt trâu, bò; thịt lợn, gà): 333 hộ. Trong đó, hầu hết các hộ kinh doanh chưa thực hiện quy định về khám sức khỏe định kỳ và chưa được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 54,96% bàn bán sản phẩm không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và số sản phẩm động vật được cơ quan Thú y kiểm soát giết mổ chỉ chiếm 4,8% (16/333 hộ).
Về chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở giết mổ động vật: Đối tượng áp dụng là các “mô hình điểm” về kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có kiểm soát giết mổ của cơ quan Thú y. Về mức hỗ trợ, chi phí giết mổ: 100.000 đồng/con trâu, bò; 35.000 đồng/con lợn, dê và 1.500 đồng/con gia cầm; về phí kiểm soát giết mổ: 14.000 đồng/con trâu, bò, ngựa; 7.000 đồng/con lợn (trên 15 kg), dê; 700 đồng/con lợn (dưới 15 kg) và 200 đồng/con gia cầm, thời gian hỗ trợ trong năm 2017.
Theo đánh giá của lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Việc triển khai Phương án quản lý giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh năm 2017 đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, quan trọng nhất phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và kèm theo đó phải có cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ động vật đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho nhân dân. Vì vậy, cần phải thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật sâu rộng trong nhân dân, các hộ kinh doanh giết mổ tại hộ kinh doanh, giết mổ tại hộ chăn nuôi, người tiêu dùng; tăng cường giới thiệu và quảng bá những cơ sở thực hiện tốt, kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thú y.