Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt để gia tăng giá trị sản xuất

07:26, 27/11/2017

Thái Nguyên có nhiều lợi thế để phát triển ngành trồng trọt, đặc biệt là đối với các loại cây như chè, rau, cây ăn quả… Tuy nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để tạo ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường, trong khi phần lớn dân cư vẫn đang sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Từ thực tế này đòi hỏi cần tái cơ cấu ngành Trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững...

Trồng trọt đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập chính cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh, với các loại cây trồng chủ yếu là lúa, rau, ngô, chè, cây ăn quả... Toàn tỉnh hiện có trên 108.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó: Đất trồng cây hằng năm gần 63.800ha, đất trồng lúa trên 47.000ha, đất trồng cây lâu năm gần 44.290ha, đất lâm nghiệp có rừng gần 180.000ha.

Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh không chỉ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao hiệu quả mà còn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh rau, cây ăn quả, chè… mang lại hiệu quả kinh tế cao; ngày càng xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Điển hình như vùng trồng cây ăn quả ở xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) với diện tích 400ha (là một trong những vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất tỉnh).

Ông Nguyễn Viết Quỳnh, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận cho biết: Người dân ở đây bắt đầu trồng cây ăn quả từ những năm 1974-1975, trong đó cây nhãn được đưa vào trồng đầu tiên. Nhận thấy cây nhãn rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây, dần dần bà con mở rộng diện tích trồng... Theo thống kê, đến nay cả xã có trên 200ha nhãn, còn lại là các loại cây ăn quả khác (như cam, thanh long, ổi, bưởi...). Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, nhân dân địa phương đã trồng thêm 30ha bưởi diễn và cam vinh. Hiện nay, xã Phúc Thuận đã được quy hoạch thành vùng trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Không riêng cây ăn quả, tỉnh ta còn nổi tiếng với sản phẩm chè ngon, trong đó xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) được xếp hàng đầu. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 300ha chè đặc sản, cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm chè Tân Cương không bó hẹp ở thị trường nội địa mà được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Nga, Mỹ, Nhật… Cây chè thực sự đã trở thành cây làm giàu ở địa phương từ nhiều năm nay, toàn xã có khoảng 200 hộ sản xuất và kinh doanh chè, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, không có hộ nghèo.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung hiệu quả cao như: Sản xuất rau ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), Huống Thượng (Đồng Hỷ), Đông Cao (T.X Phổ Yên); lúa ở Phú Bình; cây ăn quả ở Võ Nhai… Đây chính là kết quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu ngành Trồng trọt của tỉnh. Trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của các địa phương, đưa khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, dần hình thành các vùng sản xuất cây trồng hàng hóa có giá trị cao. Qua đó, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, với lợi thế về diện tích, về đất đai thì hiệu quả thu được từ lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Ngoài một số vùng chuyên canh lúa, cây ăn quả và các vùng chè tập trung thì nhìn chung bức tranh trồng trọt ở tỉnh ta phần lớn còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Nhằm từng bước thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta coi đây là một phần trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để việc tái cơ cấu ngành Trồng trọt được thực hiện nhanh và thuận lợi, với mục tiêu xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, đạt chất lượng, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, hiện nay, tỉnh ta đã quy hoạch các vùng sản xuất đối với từng loại cây trồng, như: Đối với cây lúa là sử dụng ổn định, linh hoạt diện tích 39.000ha đất lúa, tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa năng suất, chất lượng, chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mục đích sử dụng khác. Đối với cây chè, đến năm 2020 diện tích chè giống mới đạt 80% diện tích toàn tỉnh, hình thành vùng sản xuất chè an toàn, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, có 5.000ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Tương tự như vậy, cây rau các loại đạt 15.000ha, hỗ trợ sản xuất và chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng được một số mô hình ứng dụng công nghệ cao. Riêng cây ăn quả, duy trì ổn định diện tích cây ăn quả toàn tỉnh 16.500ha.

Cùng với quy hoạch, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng, giá trị góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Với vai trò hỗ trợ, Nhà nước sẽ có cơ chế chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, hạ tầng phục vụ sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân.