Yên Ngựa - Mùa quả ngọt

08:46, 21/11/2017

Những năm qua, nhận thấy cam Vinh là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao, người dân xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) đã mạnh dạn đưa loại cây này vào trồng. Đến nay, nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cam Vinh.

Đi vào khu trồng cây ăn quả của bà con xóm Yên Ngựa, chúng tôi được thỏa thê ngắm nhìn những cây cam Vinh cao quá đầu người, quả sai trĩu cành đang chuẩn bị được thu hái. Thử đếm số quả trên một cây được trồng cách đây hơn chục năm, chúng tôi thấy có trên 1.000 quả, (tương đương trên 2 tạ quả). Nếu với giá bán 25.000 đồng/kg, thì sau khi trừ chi phí, cây này sẽ cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Theo các hộ dân, cây nào trồng càng lâu năm lại càng cho nhiều quả hơn, quả ngon, ngọt, mọng nước hơn. Cây 4 năm tuổi có năng suất đạt 5 tấn quả/ha/năm, cây 7 năm tuổi có năng suất đạt 10 tấn quả/ha/năm, cây 13 năm tuổi có năng suất đạt khoảng 50 tấn quả/ha/năm (mỗi héc ta trồng 600 cây). Anh Đỗ Thành Việt, hộ dân có diện tích trồng cây cam Vinh ở xóm Yên Ngựa chia sẻ: Gia đình tôi có gần 1 mẫu đất trồng ngô. Năm 2013, tôi mạnh dạn chuyển sang trồng 6,5 sào cam Vinh. Năm ngoái, diện tích cam này đã bói quả, cho thu hoạch 4 tạ quả, đem lại nguồn thu nhập 10 triệu đồng. Năm nay, dự tính 6,5 sào này sẽ cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả. Nếu với giá bán 25 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, gia đình sẽ có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình cũng trồng mới trên 3 sào cam Vinh. Chỉ vài năm nữa, nguồn thu nhập từ cây cam Vinh sẽ còn lớn hơn nhiều.

Người có công đầu tiên đưa cây cam Vinh về trồng trên vùng đất này là ông Hoàng Văn Bạo, Tổ trưởng Tổ hợp tác cam Vinh Yên Ngựa. Theo chia sẻ của anh Bạo, năm 2004, trong một lần về quê thăm người thân ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên), bà con nơi đây trồng rất nhiều cam Vinh, đem lại nguồn thu nhập cao. Với bản tính tò mò, ham học hỏi, anh cất công tìm hiểu, tham khảo kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây này. Sau đó, anh mạnh dạn bàn với vợ đầu tư mua 1.000 gốc cam Vinh. Ngay năm đầu tiên cây bói quả, gia đình anh thu hoạch được trên chục tấn cam. Hiện nay, anh đã chặt tỉa thưa, chỉ để lại 400 cây, để cây phát triển mở rộng tán. Trung bình mỗi năm, 400 cây cam Vinh của gia đình anh cho thu hoạch khoảng 40 tấn quả, trừ chi phí đem lại nguồn thu nhập trên 600 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây cam Vinh, nhiều người dân trong xóm đã đến nhà anh Bạo tham khảo, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn chuyển đổi đất đang trồng ngô, sắn sang trồng cam Vinh. Ban đầu chỉ có 4-5 hộ dân trồng. Đến năm 2012, con số đó tăng lên 30 hộ, người trồng ít nhất cũng 3 sào, người trồng nhiều thì lên tới 1 mẫu. Hiện nay, số hộ dân trồng cam Vinh là 45 hộ (chiếm khoảng 65% tổng số hộ dân trong xóm), với tổng diện tích 12ha. Anh Vũ Văn Đức, một hộ dân xóm Yên Ngựa cho biết: Cam Vinh là loại cây khá khó trồng. Cây hay bị bệnh vàng lá, thối rễ, sâu đục thân. Thế nhưng, cây trồng này lại đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Từ năm 2006, gia đình tôi cũng mạnh dạn trồng 3 sào cam Vinh trên đất trồng ngô. Mỗi năm, 3 sào cam này cho thu hoạch khoảng 3 tấn cam, đem lại nguồn thu nhập khoảng trên 60 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình cũng có 7 sào cam Vinh, trồng từ năm 2014, năm nay mới bói quả, dự kiến thu hoạch được khoảng 8 tạ quả, cho thu nhập khoảng gần 20 triệu đồng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết bà con xóm Yên Ngựa trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau như: na, bưởi, nhãn miền, quýt, song cam Vinh vẫn là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho bà con. Từ việc trồng cam Vinh, nhiều hộ  dân đã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, điển hình như gia đình các ông: Hoàng Văn Bạo, Đỗ Thành Việt, Hoàng Văn Thơm, Trần Văn Thắng, Lê Văn Thắng... Năm 2013, UBND xã Lâu Thượng đã thành lập Tổ hợp tác cam Vinh Yên Ngựa với 45 thành viên. Các hội viên trong Tổ hợp tác được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, đồng thời cùng nhau chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm chăm sóc cây cam Vinh sao cho phát triển tốt, đem lại năng suất quả cao. Ngoài ra, các thành viên còn hộ nhau thu hoạch cam, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mai Xuân Thái, Bí thư Đảng ủy xã Lâu Thượng cho biết: Theo quy hoạch nông thôn mới, xóm Yên Ngựa được xã quy hoạch thành vùng chuyên canh cây ăn quả và khu vực chăn nuôi tập trung của xã. Khoảng 6-7 năm trở lại đây, người dân trong xóm đã chọn trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế. Đến nay, vùng chuyên canh cây ăn quả của xã đã được hình thành ở Yên Ngựa. Đặc biệt, mô hình trồng cam Vinh nơi đây đã trở thành mô hình sản xuất tiêu biểu của xã, được nhiều hộ dân trong và ngoài xã đến học hỏi và nhân rộng.