Chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

10:38, 16/12/2017

Những ngày qua, thời tiết chuyển rét đậm, vùng núi có nơi rét hại. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, hiện nay, ngành nông nghiệp cùng với các cấp cấp chính quyền địa phương đang tích cực hướng dẫn bà con nông dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng và vật nuôi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ ngày 12-12 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhiệt độ giảm xuống thấp phổ biến từ 13 đến 15 độ C, có nơi dưới 13 độ C. Tại huyện vùng cao Võ Nhai vào sáng 14, nhiệt độ ngoài trời là 12 độ C.Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND Võ Nhai cho biết: Trước ảnh hưởng của rét đậm trong những ngày qua, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên phát thông tin về thời tiết và các biện biện pháp phòng, chống rét, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trên hệ thống loa truyền thanh để giúp bà con chủ động ứng phó với tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo cán bộ khuyến nông tăng cường xuống cơ sở để kiểm tra tình hình sản xuất, khuyến cáo bà không xuống giống gieo mạ hoặc các loại cây trồng khác trong những ngày giá rét.

Tại cánh đồng xóm Đồng Chăn, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), dù trời mưa lạnh song bà con vẫn tích cực ra đồng đắp đất, be bờ, lấy nước đổ ải để chuẩn bị sẵn sàng xuống giống gieo trồng vụ xuân khi thời tiết thuận lợi. Ngâm chân dưới bùn buốt lạnh, bà Nông Thị Loan nói với chúng tôi: Mấy ngày trước tôi định ngâm thóc để gieo mạ sớm nhưng thấy cán bộ nông nghiệp xã thông báo về ảnh hưởng của rét đậm, rét hại nên tôi đã dừng lại việc ngâm thóc mạ lại. Những ngày tới nếu nhiệt độ không ấm lên tôi sẽ chuyển sang phương án gieo thẳng cho kịp thời vụ...

Rời huyện Võ Nhai, chúng tôi đến một số vùng trồng hoa, cây cảnh, phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán như: Cam Giá, Túc Duyên (T.P Thái Nguyên); Huống Thượng, Linh Sơn, Hóa Thượng (Đồng Hỷ)... bà con nông dân cũng đang chủ động ứng phó với thời tiết rét đậm. Chị Doãn Thị Lan, người có kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm ở phường Cam Giá chia sẻ: Với những giống hoa lan, hoa ly, thời điểm này gặp rét đậm kèm theo mưa phùn có thể khiến cây hoa bị táp lá, héo hoặc chết. Do đó, gia đình tôi đã chủ động che chắn bằng nilon, thắp điện để làm tăng nhiệt độ, giữ ấm cho hoa. Đối với cây cảnh như: Đào, quất, cam, bưởi... thì di chuyển vào nơi kín gió hoặc sử dụng nilon che chắn, buổi sáng dùng vòi nước rửa lá đề phòng sương muối.

Cùng với trồng trọt, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực bảo vệ đàn vật nuôi, áp dụng nhiều biện pháp cùng lúc nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết gây ra. Ông Lê Văn Tự, hộ chăn nuôi lợn ở xóm Bến 1, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) cho biết: Ngay từ chiều 11-12, khi nhiệt độ bắt đầu giảm gia đình tôi đã che chắn và gia cố xong tất cả các cửa sổ, cửa ra vào chuồng nuôi lợn. Tôi cũng đã chủ động mua dự trữ đủ thức ăn cho lợn, bảo đảm khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày, đồng thời bổ sung một số loại vitamin, khoáng chất cần thiết. Từ đầu mùa Đông, gia đình tôi đã chuẩn bị củi và trấu để sẵn sàng sưởi cho lợn khi trời quá rét. Đàn lợn thịt gần 200 con của gia đình tôi hiện nay đều khỏe mạnh, không có con nào bị ốm do đói, rét. Riêng với chuồng nuôi lợn nái và úm lợn con tôi sử dụng bao tải lót sàn và đèn sưởi để giữ ấm cho lợn.

Ông Nguyễn Trường Giang, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y T.X Phổ Yên cho biết: Nhiệt độ xuống thấp kết hợp với độ ẩm không khí cao khiến cho cơ thể vật nuôi bị giảm sức đề kháng, dẫn đến nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch tả, tụ huyết trùng, bệnh đường hô hấp có điều kiện bùng phát. Do vậy, ngay từ đầu mùa rét, chúng tôi đã hướng dẫn các chủ hộ chăn nuôi trên địa bàn tích cực chuẩn bị vật dụng, thức ăn để phòng chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Ngoài việc sử dụng thuốc phòng, trị bệnh theo định kỳ, người chăn nuôi cần chú trọng một số biện pháp như kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm thích hợp theo từng loại vật nuôi, từng lứa tuổi; tăng sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách bổ sung các loại thức ăn giàu vitamin, axitamin… trong những ngày rét.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ngày 12-12, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã ban hành công văn hướng dẫn các địa phương áp dụng khung thời vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2018 cho phù hợp. Theo đó, các địa phương tuyệt đối không để người dân gieo mạ và cấy lúa vào những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độ C; khuyến cáo bà con nên tập trung gieo cấy vào trà lúa xuân muộn, thời điểm gieo cấy gần tiết Lập Xuân (4-2-2018 tức 19-12 Âm lịch) và kết thúc trong tháng 2-2018 để đảm bảo khung thời vụ tốt nhất. Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi Thú y cũng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại địa phương; thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ chăn nuôi biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đặc biệt, khuyến cáo người dân không thả rông gia súc trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, rét đậm, rét hại còn kéo dài trong những ngày tới. Từ ngày 14-12, không khí lạnh tăng cường kèm theo mưa nhỏ sẽ khiến thời tiết tại các tỉnh Đông Bắc Bộ chuyển rét đậm, vùng núi có nơi rét hại, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ C, vùng núi cao dưới 7 độ C. Chính vì vậy, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục chủ động trong việc phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi để hạn chế thấp nhất thiệt hại do tác động của thời tiết gây ra.