Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2018. Thời điểm này, các hộ trồng chè cũng như cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất, tích trữ sản phẩm chè phục vụ thị trường dịp Tết. Theo dự báo của nhiều người trồng chè lâu năm, trong dịp Tết sắp tới giá chè có thể tăng khoảng 10-20% so với ngày thường do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Có mặt tại vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) vào một ngày đầu tháng 12, chúng tôi gặp nhiều người dân đang phun nước trên các đồi chè. Đây là thời điểm thời tiết hanh khô và khá lạnh, nếu không được tưới đủ nước sẽ khiến cây chè khó phát triển, thậm chí có thể bị chết. Do đó, những ngày này, bà con tốn khá nhiều công chăm sóc chè, trong khi đó thời gian để được thu hoạch lại kéo dài, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng khó có thể cao như những thời điểm khác trong năm.
Chị Mã Thị Lan, ở xóm Soi Mít, xã Phúc Trìu, cho biết: Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được 7 lứa chè. Trong đó có 5 lứa chè cho năng suất, chất lượng cao, còn 2 lứa trước và sau Tết Nguyên đán thấp hơn khá nhiều. Nếu như bình thường, để có một lứa thu hoạch cần khoảng 35 ngày, thì chè vụ đông cần tới hơn 50 ngày. Cùng với đó, muốn chè vụ đông đạt sản lượng cao thì công chăm sóc có khi phải gấp 2-3 lần so với các lứa chè khác, vì cứ 3-4 ngày là phải tưới nước một lần. Năm nay, dự báo thời tiết lạnh sớm hơn và kéo dài, nếu trong những ngày tới nhiệt độ vẫn xuống thấp như những ngày gần đây thì nhiều diện tích chè khả năng không cho thu hoạch...
Còn anh Ngô Mạnh Hinh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè Mai Loan, ở xã Tân Cương, chia sẻ: Gia đình tôi có 12 sào chè đang được chăm sóc để chuẩn bị cho lứa chè cuối năm. Lứa chè dịp này thường có sản lượng chỉ bằng trên dưới 40% các lứa chè khác, trong khi nhu cầu của thị trường dịp này những năm gần đây tăng khá mạnh khiến giá chè thường tăng cao. Là HTX chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên giá bán khá ổn định và cao hơn so với chè sản xuất thông thường. Hiện dao động từ 250-700 nghìn đồng/kg chè búp khô (tùy loại), trong đó loại được thị trường ưa chuộng nhất là trên dưới 450 nghìn đồng/kg. Chè tôm được bán với giá trên dưới 1 triệu đồng, còn loại chè ngon và được cho là đặc sản nhất là chè đinh, có giá trên dưới 2,5 triệu đến 2,7 triệu đồng/kg...
Theo đánh giá của anh Hinh, giá chè dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 100-200 nghìn đồng/kg (tùy loại), riêng chè đinh do sản lượng thấp, thậm chí là không thể làm được nên giá có thể tăng mạnh hơn. Đối với chè không tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP, giá rẻ hơn, dao động từ 200.000-500.000 đồng/kg, vào thời điểm Tết cũng sẽ tăng khoảng trên dưới 100.000 đồng/kg.
Không chỉ với hộ trồng, những hộ kinh doanh chè cũng đã và đang có sự chuẩn bị khá chu đáo trong việc tích trữ sản phẩm để cung cấp cho thị trường vào dịp cuối năm này. Bà Ngô Thị Mầu, chủ cơ sở sản xuất chè Mai Mầu, xã Tân Cương cho biết: Năm nay, gia đình tôi tích trữ khoảng 3 tấn chè búp khô để cung ứng ra thị trường dịp Tết. Bắt đầu từ tháng 10 Âm lịch, lượng chè bán ra của các cơ sở nhìn chung đều tăng mạnh, thậm chí là gấp 2-3 lần ngày thường. Tuy nhiên, sức mua chủ yếu tập trung ở loại chè ngon; còn loại chè thường thì cơ bản vẫn giữ nguyên, thậm chí là giảm nhẹ. Gia đình có diện tích chè không nhiều nên phần lớn là thu gom từ các hộ trồng chè trong xã. Chè được thu gom đều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, ngoài chất lượng, thì mẫu mã với nhiều hình thức đóng gói, đóng hộp cũng được các cơ sở chú trọng với nhiều kiểu dáng bắt mắt, sang trọng, đáp ứng đa dạng các yêu cầu của khách hàng.
Chè từ lâu đã là đồ uống không thể thiếu của rất nhiều gia đình trong dịp Tết, nhất là đối với người dân Thái Nguyên. Đây cũng là sản phẩm được nhiều người sử dụng để làm quà tặng người thân, bạn bè trong nhiều dịp. Ngoài ra, chè xanh còn được sử dụng trên các mâm lễ thắp hương tại nhà, đền, chùa. Để có được những ấm chè như ý và đúng giá, người mua nên đặt mua người quen hoặc các cơ sở có uy tín và có thể mua từ bây giờ. Còn với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh chè, không nên vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ chất lượng, đẩy giá bán lên cao. Đó cũng là cách để giữ gìn thương hiệu, uy tín cho chính mình, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên ngày càng bay cao, bay xa.