Chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ: Cần sự đồng thuận của người dân

15:12, 05/12/2017

Trong khi phần lớn người dân ở Dân Tiến (Võ Nhai) phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào trồng rừng sản xuất thì mới đây, chính quyền có chủ trương chuyển phần lớn diện tích này thành rừng phòng hộ (ở 3 xóm Làng Mười, Đồng Quán, Làng Chẽ). Về lâu dài, việc chuyển đổi này sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội cho người dân địa phương, nhưng do tuyên truyền chưa kịp thời nên chưa tạo được sự đồng thuận của người dân.

Hơn 800ha rừng sản xuất được chính quyền địa phương đề xuất quy hoạch thành rừng phòng hộ nằm ở 3 xóm Đồng Quán, Làng Chẽ và Làng Mười với 106 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, diện tích quy hoạch nằm chủ yếu ở xóm Làng Mười - nơi có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 50%. Ông Âu Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho biết: Quy hoạch rừng đầu nguồn hồ Quán Chẽ thành rừng phòng hộ là để đảm bảo cảnh quan thiên nhiên và duy trì nguồn nước cho hồ.

Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Liên, ở xóm Làng Mười: Việc chuyển rừng sản xuất thành rừng phòng hộ sẽ ảnh hưởng tới đời sống của bà con. Gia đình tôi đã trồng gần 5ha cây keo, nếu quy hoạch thành rừng phòng hộ việc phát triển kinh tế của gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi ngoài trồng rừng thì không có gì trồng.

Tương tự trường hợp của ông Liên, anh Vũ Văn Thiện, cũng ở xóm Làng Mười không khỏi lo lắng, bởi khi quy hoạch thành rừng phòng hộ, quá trình khai thác để bán lâm sản phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Nhà nước. Anh Thiện cho biết: Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình, trong đó, có hai con đang đi học chỉ trông vào tiền bán cây rừng trồng, nếu bây giờ không bán được gỗ thì lấy tiền đâu để nuôi các con đi học.

Còn bà Nguyễn Thị Mây, Bí thư Chi bộ xóm Làng Chẽ cho biết: Trong xóm có 174 hộ dân thì có tới 99% số hộ phát triển kinh tế dựa vào trồng rừng, nhiều hộ đã được giao đất và có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi Nhà nước công bố quy hoạch thành rừng phòng hộ thì bà con đều cảm thấy bất an. Người dân trong xóm có rất ít ruộng để cấy lúa, trung bình mỗi hộ dân chỉ có  khoảng 3 sào ruộng, năm nào năng suất cao lắm cũng chỉ đủ ăn, còn năm nào mất mùa thì phải đi đong gạo. Chính vì vậy, trồng rừng vẫn là hướng phát triển kinh tế chính của bà con.

Được biết, từ đầu những năm 2000, người dân 3 xóm trên đã nhận giao khoán trồng rừng của Lâm trường Võ Nhai, đến năm 2013, huyện đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều gia đình đối với phần diện tích đã nhận giao khoán. Từ đó, bà con mạnh dạn vay vốn ngân hàng để trồng rừng (có gia đình vay hàng trăm triệu đồng), với hy vọng mở ra hướng thoát nghèo. Tuy nhiên, nếu quy hoạch thành rừng phòng hộ, việc khai thác lâm sản của người dân sẽ không còn được tự quyết định như rừng sản xuất nên việc trả tiền vay ngân hàng để trồng rừng trước đây sẽ gặp nhiều khó khăn.

Việc chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ sẽ ảnh hưởng đến đời sống nên qua buổi đổi thoại trực tiếp giữa chính quyền địa phương với người dân vào ngày 30-11, nhiều gia đình vẫn chưa đồng ý với chủ trương trên. Ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Võ Nhai cho biết: Quy hoạch hơn 800ha rừng phòng hộ ở xã Dân Tiến là hợp lý và cần thiết để giữ nguồn nước và môi trường sinh thái cho hồ Quán Chẽ. Nếu không, có mưa lũ là đất, cát chảy xuống làm lòng hồ Quán Chẽ ngày càng nông, việc tích trữ nước không đảm bảo. Hồ Quán Chẽ không chỉ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn giữ nguồn nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân....

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai chia sẻ: Huyện đã có chủ trương chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng phòng hộ ở khu vực hồ Quán Chẽ từ năm 2016, tuy nhiên, chính quyền xã chưa kịp thời tuyên truyền nên bà con nắm bắt chủ trương trên bị chậm. Hiện nay, huyện đã xây dựng xong các phương án ổn định đời sống của người dân. Toàn bộ diện tích cây của người dân đã bỏ vốn trồng thì sẽ để bà con thu hồi vốn. UBND huyện sẽ tiến hành rà soát để cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho những hộ dân đã nhận giao khoán trồng rừng từ trước. Chỉ những diện tích rừng người dân khai thác xong mới chuyển sang rừng phòng hộ với những cây bản địa, như: Trám đen, Trám trắng, Chò chỉ, lát. Còn dưới tán rừng sẽ trồng các cây lâm sản phụ, như: nứa, mây, tre Bát độ để bà con có thu nhập. Khi cây trong rừng phòng hộ đến chu kỳ thì người dân vẫn được khai thác, nhưng theo hình thức tỉa thưa với tỷ lệ không quá 20%/năm. Với việc bán gỗ từ rừng phòng hộ sẽ có giá cao hơn rất nhiều so với các cây hiện nay bà con đang trồng. Trong thời gian cây rừng phòng hộ chưa được khai thác, chính quyền sẽ hỗ trợ gạo và triển khai các mô hình trồng nấm, chăn nuôi trâu sinh sản, nuôi cá lồng bè tại mặt nước hồ Quán Chẽ để bà con phát triển kinh tế.

Có thể thấy, việc chuyển hơn 800ha rừng sản xuất sang rừng phòng hộ chưa nhận được sự đồng thuận của người dân 3 xóm trên là do bà con lo ngại về sinh kế sau này. Thêm vào đó, bà con cũng chưa năm rõ được các lợi ích sau khi chuyển thành rừng phòng hộ và việc hỗ trợ ổn định đời sống người dân từ phía Nhà nước. Vì vậy, chính quyền các cấp của huyện Võ Nhai cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân các xóm bị ảnh hưởng.