Hiện, Thái Nguyên có 309 cơ sở hội, 3.231 chi hội, trong đó có 2.947 chi hội nông thôn, xóm, tổ dân phố; 284 chi hội khối 487, với tống số 71.700 hội viên (HV). Ở mặt trận phát triển kinh tế, Hội khuyến khích HV nêu cao ý chí tự lực tự cường, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững, đẩy mạnh hoạt động tình nghĩa, giúp nhau nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội CCB tỉnh nói ví von: Xưa đánh giặc ngoại xâm, nay đánh giặc nghèo, ở mặt trận nào cũng xuất hiện những con người tiên tiến. Kết quả bình xét thi đua làm kinh tế giỏi mới đây, toàn Hội có 1.550 HV làm kinh tế giỏi các cấp, trong đó có 50 HV đạt lao động giỏi cấp Trung ương. Tham gia phong trào “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, trong 5 năm gần đây có 5.243 gia đình HV hiến hơn 502.000m2 đất, đóng góp gần 650.000 ngày công lao động và hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Chuyện CCB giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng ban Kinh tế của Hội tâm đắc: Hội CCB không đứng đơn lẻ, mà luôn có sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị chuyên môn, như mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng quản lý vốn, kinh nghiệm sản xuất (90 lớp, hơn 5.000 lượt HV/năm). Thông qua ủy thác vay vốn với Ngân hàng chính sách xã hội, nhiều HV đã có thêm tiền vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, đến cuối năm 2017, toàn Hội đạt số dư hơn 590 tỷ đồng, với hơn 20.000 lao động được tạo việc làm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Giảng, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Kim chia sẻ: Bằng việc vào cuộc tích cực của Hội và toàn thể HV, những CCB của xã đã giành được nhiều thắng lợi ở mặt trận mới. Điều đó thể hiện bằng kết quả số gia đình CCB khá giàu năm sau tăng hơn năm trước. Nếu như năm 2012 có 247 gia đình HV làm kinh tế giỏi, thì đến năm 2017 có 336 gia đình HV đạt tiêu chí hội giàu. Số gia đình HV nghèo giảm từ 27 hộ/2012 xuống còn 12 hộ hiện nay.
“Có bột mới gột nên hồ” - Lời người xưa dạy luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong làm kinh tế. Tôi mang nghĩ suy ấy trên suốt dọc đường từ trung tâm T.P Thái Nguyên lên huyện Định Hóa. Đến chân đèo de, xã Phú Đình, vào thăm CCB Nguyễn Văn Bình, xóm Phú Hà. Ông Bình cho biết: Gia đình tôi có 4 ha đất, phần trồng chè, phần trồng rừng, ngoài ra còn ruộng cấy lúa. Nhờ chăm chỉ làm lụng, cuộc sống của gia đình tôi ổn định, có điều kiện giúp đỡ bà con trong vùng về vốn vay, kinh nghiệm sản xuất, trong đó có HV CCB.
Câu chuyện ông Bình mộc mạc, song gợi nhớ trong tôi về những CCB đã biến cải vùng đất nghèo thành bãi lúa, nương chè, rừng cây cho thu tiền triệu, như CCB Ma Đình Khì, Chi hội phó Khẩu Cuộng xã Thanh Định (Định Hoá). Đặc biệt CCB Nguyễn Trung Thành, cùng Chi hội Khẩu Cuộng, dù trên cơ thể mang 4 vết sẹo đạn bom của thời kháng chiến chống Mỹ, nhưng đã bằng đôi bàn tay và nghị lực “Bộ đội Cụ Hồ”, sau nhiều năm làm lụng, ông có 21 ha đất đồi bãi để trồng rừng, cấy lúa, chăn thả gia súc, đạt tổng thu 300 triệu đồng/năm.
Nhân ngày nghỉ cuối tuần, tôi lên huyện Võ Nhai, đến chợ phiên Cúc Đường, gặp ông La Văn Día, CCB ở bản Mỏ Chì. Ông Día hồn nhiên nói: Đi bộ đội về, gần 10 năm ăn bắp, ăn sắn với củ măng nướng, tôi khai phá được khu ruộng cấy hết 5 cân lúa giống; gieo hết 15 cân ngô giống, thu hoạch 15 tấn ngô, 1 tấn thóc/năm đã phơi khô quạt sạch. Hiện tôi có 1 ha rừng hơn 7 năm tuổi bắt đầu vào kỳ khai thác.
Tôi chắc chắn trong cuộc sống, ai cũng có khát vọng làm giàu. Và mỗi CCB ại lựa chọn cách làm riêng nhưng đều bằng chính tâm sức của mình.