Diện mạo mới của Bờ Tấc

09:24, 09/12/2017

Bờ Tấc là xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Lợi (Đồng Hỷ), với gần 100% là người dân tộc Sán Dìu. Vài năm trở lại đây, nhờ hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân, diện mạo xóm làng đã có sự đổi thay rõ rệt.

Khoảng 7-8 năm trở về trước, đời sống kinh tế của người dân xóm Bờ Tấc còn rất khó khăn. Nguồn thu nhập chính của các hộ dân trong xóm là sản xuất nông nghiệp, song nguồn nước tưới rất khó khăn do chưa có hệ thống thủy lợi, hầu hết phụ thuộc vào trời mưa. Mặc dù mỗi năm cấy được 17ha lúa, trồng được 3ha ngô nhưng xóm vẫn còn gần 20 hộ dân phải đi đong gạo ăn trong thời kỳ giáp hạt. Thêm vào đó, hầu hết các tuyến đường đều bụi bặm vào mùa khô, lầy lội và trơn trượt vào mùa mưa khiến việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân hết sức cực nhọc.

Xác định "rào cản" khiến kinh tế ở xóm chưa phát triển chính là khó khăn về giao thông và thủy lợi. Nhưng tháo gỡ khó khăn đó như thế nào? Vấn đề này đã được Chi bộ đưa ra bàn thảo nhiều lần nhưng chưa tìm được giải pháp khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hạn chế, nhân dân còn nghèo. Phải đến các năm: 2008, 2009, 2010 và 2013, một "nút thắt" của những khó khăn đó mới được tháo gỡ khi xóm được huyện đầu tư trên 700 triệu đồng (từ nguồn vốn Chương trình 135) để đổ bê tông toàn bộ gần 3km đường trục chính của xóm. Ông Ngô Văn Thắng, Trưởng xóm Bờ Tấc cho biết: Phấn khởi trước sự quan tâm của Nhà nước, bà con trong xóm đã tích cực hiến hàng trăm m2 đất và đóng góp gần 300 ngày công để mở rộng, san lấp mặt bằng thi công tuyến đường. Tuyến đường bê tông được hoàn thành và đưa vào sử dụng không những giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi mà còn làm cho diện mạo xóm làng thêm đẹp đẽ hơn.

Có đường bê tông sạch đẹp và đi lại thuận tiện, sản phẩm hàng hóa làm ra không bị các tư thương ép giá như trước, bà con lại càng yên đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi hơn. Trong năm 2015 và 2016, 19 hộ dân trong xóm đã "mạnh tay" đầu tư mua máy cày, máy phay phục vụ cho việc làm đất được nhanh chóng và dễ dàng hơn. Đặc biệt, bà con còn tự khoan giếng để lấy nguồn nước nuôi dưỡng lúa, tưới ngô. Cùng với đó, người dân cũng mạnh dạn đưa các giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt như: BTE-1, Thiên ưu 838, TH3-5, TH3-3 vào gieo cấy. Bởi vậy, năng suất lúa đã tăng lên đáng kể. Nếu như trước kia, năng suất trung bình của xóm chỉ đạt khoảng 40 tạ/ha thì nay đã tăng lên 52 tạ/ha. Đến nay, xóm đã không còn hộ nào phải đi ăn đong trong thời kỳ giáp hạt.

Bên cạnh đưa các loại giống lúa, ngô vào sản xuất, hơn chục hộ dân trong xóm đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn, gà theo quy mô gia trại, giờ đây nhiều hộ đã có nguồn thu nhập gần 100 triệu/năm. Anh Vi Văn Thái, một hộ dân trong xóm chia sẻ: Khoảng 5-6 năm trở về trước, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng lúa, ngô. Cuộc sống rất khó khăn, thậm chí vào vụ mất mùa, gia đình còn phải đi ăn đong. Sau khi tìm hiểu về mô hình nuôi gà thả vườn, đồi ở Phú Bình, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà với quy mô từ 500 con gà/lứa, rồi lên tới 3.000 con/lứa. Mỗi năm, gia đình tôi nuôi khoảng 7.000 con, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 15 đến 20 triệu đồng/1.000 con gà (tùy theo giá bán từng thời điểm). Nguồn thu nhập từ chăn nuôi gà không những giúp gia đình tôi từng bước ổn định cuộc sống, xây dựng được nhà cửa, mua sắm được những vật dụng sinh hoạt thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày mà còn có thêm nguồn lực để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.

Không chỉ đẩy mạnh chăn nuôi lợn gà, nhiều hộ dân tập trung trồng rừng, khôi phục và chăm sóc diện tích chè trung du trước đây, đồng thời trồng thêm chè cành trên diện tích đất trồng ngô, sắn để tăng thu nhập. Hiện nay, cả xóm có gần 5ha chè (trong đó có hơn 2ha chè cành) và 20ha rừng, bước đầu đem lại nguồn thu nhập khá cho kinh tế gia đình. Ông Vi Văn Đức, một hộ dân trong xóm chio hay: Trước kia, do kinh tế khó khăn nên tôi thường xuyên đi làm ăn xa ở miền Nam, song thu nhập chẳng được là bao, lại xa gia đình. Bởi vậy, mấy năm trở lại đây, tôi quyết định ở nhà tập trung chăn nuôi gà thả vườn, đồi và chăm sóc 1ha keo, 5 sào chè cành (trồng từ năm 2014). Mỗi năm, gia đình có nguồn thu nhập khoảng 80-90 triệu đồng từ chăn nuôi gà thả vườn, trên 30 triệu đồng từ trồng chè. Đặc biệt, năm 2015, gia đình có thêm khoản thu nhập gần 100 triệu đồng từ việc bán 1ha keo...

Có thể nói, từ sự chuyển biến tích cực trong trồng trọt và chăn nuôi, đời sống của người dân xóm Bờ Tấc đã được nâng lên rõ rệt. Từ một xóm có số hộ nghèo chiếm phần đông, đến nay xóm chỉ còn 14 hộ nghèo. Kinh tế phát triển, nhiều hộ dân có điều kiện sửa chữa, xây dựng mới nhà cửa được khang trang hơn, xóm đã không còn nhà dột nát. Nhiều hộ đã sắm được tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như: xe máy, ti vi, tủ lạnh... Trẻ em ở xóm đều được bố mẹ quan tâm, tạo điều kiện đến trường học tập đầy đủ hơn, không còn trường hợp nào phải bỏ học giữa chừng.

Mặc dù vẫn còn là xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Lợi nhưng với sự đổi thay từng ngày trong nhận thức và cách làm như trên, chúng tôi tin rằng đời sống vật chất, tinh thần của người dân xóm Bờ Tấc sẽ ngày càng được ấm no, hạnh phúc hơn.