Đưa nước sạch về vùng nông thôn

14:56, 09/12/2017

Nước sạch có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là khu vực nông thôn và miền núi. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, những năm gần đây huyện vùng cao Định Hóa đã đầu tư xây mới, nâng cấp và sửa chữa nhiều công trình nước sinh hoạt, giúp người dân được sử dụng nguồn nước đảm bảo.

Đến Phúc Chu, chúng tôi được nghe nói nhiều về những đổi thay của một địa phương chuẩn bị “về đích” Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vui nhất là phần đông người dân đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ông Lưu Xuân Lai, xóm Đồng Uẩn, xã Phúc Chu cho biết: Trước đây chúng tôi chủ yếu dùng nước giếng khơi, tuy nhiên chất lượng không đảm bảo lại thường xuyên thiếu cạn vào mùa khô. Từ khi công trình nước sạch tập trung đi vào hoạt động bà con ai nấy đều vui mừng, giá nước rẻ, phù hợp với mức sống của người dân nông thôn. Trung bình mỗi tháng dùng thoải mái nhà tôi cũng chỉ hết 30-50 nghìn đồng. Nguồn nước dồi dào nên nhiều hộ còn lắp cả đường ống ra ruộng để tưới cho vùng rau sạch.

Anh Sỹ Văn Phương, cán bộ kỹ thuật phụ trách Nhà máy nước sạch Phúc Chu cho biết: Công trình đưa vào sử dụng từ năm 2011 đã đáp ứng lòng mong mỏi của đa số người dân. Chúng tôi lấy nước từ nguồn tự chảy khu vực trên núi của xóm Làng Gầy, có khả năng cung cấp cho gần 400 hộ dân của xã Phúc Chu và xóm Đồng Tủm, xã Bảo Cường. Nhà máy áp dụng giá nước sinh hoạt chung cho tất cả các hộ là 5.500 đồng/m3. Phương châm hoạt động của nhà máy là chủ yếu phục vụ người dân, chứ không phải lợi nhuận. Mỗi tháng đơn vị đạt doanh thu từ 8-10 triệu đồng, trừ lương cho 3 công nhân vận hành, số tiền còn lại phục vụ cho việc bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên.

Cũng là xã vùng cao nên nước sinh hoạt luôn là vấn đề khó khăn đối với người dân Kim Sơn. Khoan giếng hay xây bể trữ nước đều tiêu tốn số tiền hàng chục triệu đồng. Do vậy, khi đưa vào hoạt động trạm cấp nước sinh hoạt tập trung và hai công trình nước tự chảy khác trên địa bàn, người dân các xóm đều hào hứng đăng ký sử dụng. Riêng trạm cấp nước Kim Sơn được xây dựng năm 2002 và đi vào hoàn thành năm 2004. Trong năm 2016, Tổ chức Đông Tây hội ngộ đã hỗ trợ 900 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa công trình, đảm bảo cấp nước ổn định cho hơn 400 hộ dân. Chị Hoàng Thị Sinh, ở xóm 7, xã Kim Sơn nói: Từ khi có nước sạch, mọi thói quen sinh hoạt của người dân địa phương dần thay đổi. Mùa khô không còn tình trạng nhiều gia đình phải đi xin từng thùng nước như trước nữa.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa: Trên địa bàn huyện hiện có hơn 40 công trình nước sinh hoạt, lấy từ các nguồn: Nước ngầm, khe suối, tự chảy và nước mặt. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng qua từng năm và đã đạt trên 85%; tỷ lệ này đối với người nghèo là trên 70%; 100% các trường có nguồn nước đảm bảo. Không phủ nhận nhiều công trình nước sạch trên địa bàn còn chưa đạt công suất thiết kế ban đầu do hạn chế trong quá trình khảo sát lựa chọn nguồn nước và chất lượng công trình chưa đảm bảo. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì các chương trình đầu tư cho nước sạch đã và đang từng bước phát huy hiệu quả. UBND huyện Định Hóa cũng chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tuyền truyền về các chương trình nước sạch. Đồng thời, áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ với hộ nghèo như: Lắp đồng hồ nước, đường ống đến tận nhà miễn phí, hỗ trợ đơn giá sử dụng… Nhờ vậy, nguồn nước sạch đã không ngừng vươn tới các xóm, bản vùng sâu vùng xa.