Năm 2014, trong khi nhiều hộ dân trong xã có xu hướng thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng chăn nuôi lợn do giá cả đầu ra bấp bênh, chi phí đầu vào cao thì anh Lý Anh Tùng, sinh năm 1986, ở xóm Đồng Cẩu, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) lại quyết định chuyển từ sửa chữa, kinh doanh điện thoại di động sang chăn nuôi lợn thịt. Mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong một lần về xã Hòa Bình, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình chăn nuôi lợn thịt của anh Lý Anh Tùng. Mỗi năm, gia đình anh nuôi gần 200 con lợn thịt, đem lại nguồn thu nhập từ 150 triệu đến gần 200 triệu đồng. Anh Tùng chia sẻ: Năm 2004, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi học hệ Trung cấp chuyên ngành Điện - Công nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Luyện kim Thái Nguyên. Sau đó, tôi tiếp tục học thêm 3 năm chuyên ngành này tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp. Trong quá trình học, tôi còn học thêm nghề sửa chữa điện thoại, nghề mà mình yêu thích từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 2009, tôi về mở quán sửa chữa và mua, bán điện thoại tại chợ Hích (chợ xã Hòa Bình). Ban đầu, việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi do nhu cầu của người tiêu dùng khá cao. Nhưng từ đầu năm 2014, tôi nhận thấy thị trường điện thoại di dộng trở nên bão hòa khi cửa hàng mua bán điện thoại xuất hiện ngày càng nhiều. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, tôi quyết định chuyển sang chăn nuôi lợn thịt, bởi gia đình có sẵn quỹ đất rộng rãi. Thêm nữa, tôi cũng muốn thử sức mình ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới...
Khi quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi lợn thịt, khó khăn lớn nhất của anh Tùng là thiếu vốn và kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi. Bởi vậy, trước khi xây dựng chuồng trại, anh đã dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi tại các trang trại lớn ở Đồng Hỷ, Phú Bình và trên mạng Internet. Sau thời gian tìm hiểu, cuối năm 2014, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, khép kín rộng khoảng 240m2, có đầy đủ hệ thống điện, nước rửa chuồng trại, nước tắm; nước uống, máng ăn tự động, hầm biogas với tổng kinh phí trên 270 triệu đồng.
Anh Tùng chia sẻ thêm: Qua tìm hiểu các mô hình chăn nuôi ở Đồng Hỷ, Phú Bình, tôi nhận thấy để việc chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao thì phải nuôi với số lượng lớn. Muốn vậy thì người nuôi phải xây dựng được khu chuồng trại kiên cố, rộng rãi và hiện đại, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, nguồn nước thải được xử lý không để gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh. Việc chọn giống vật nuôi cũng hết sức quan trọng. Thêm vào đó, chế độ phòng bệnh cho đàn lợn cũng phải được thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Lợn giống phải được tiêm đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh. Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc.
Bắt đầu từ cuối năm 2016 đến nay, do giá bán lợn hơi xuống thấp kỷ lục (có thời điểm chỉ 15 nghìn đồng/kg), nhiều hộ dân trong xã đã thu hẹp quy mô chăn nuôi, thậm chí bỏ trống chuồng. Thế nhưng, anh vẫn duy trì chăn nuôi từ 70 đến 80 con lợn thịt trong chuồng. Từ đầu năm đến nay, anh đã xuất bán được trên 100 con lợn thịt (trên chục tấn lợn hơi). Do giá bán đang dần tăng lên (hiện giá lợn hơi đã tăng lên 30 nghìn đồng/kg) nên anh Tùng dự định sắp tới sẽ tăng đàn trở lại. Ngoài ra, anh vừa trồng thử nghiệm cây mít và bưởi trên phần đất liền kề khu chuồng trại chăn nuôi rộng hơn 400m2. Anh cũng cải tạo lại ao để thả cá. Với bản tính chịu khó, ham học hỏi, chúng tôi tin tưởng anh Tùng sẽ tiếp tục gặt hái được thành công hơn nữa trong phát triển kinh tế gia đình.