Trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có 113 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản của các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ cá thể đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở này đều chấp hành tốt các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, lâm sản được đưa vào chế biến, kinh doanh đều có nguồn gốc hợp pháp.
Với diện tích nhà xưởng hơn 800m2, trung bình mỗi năm, xưởng gỗ của gia đình ông Nguyễn Thế Hưng, ở xóm Ao Voi, phường Đồng Bẩm sản xuất, tiêu thụ hơn 500m3 gỗ các loại phục vụ cho việc xẻ gia công, đóng đồ mộc như bàn ghế, giường, tủ, sập... doanh thu của xưởng đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Hưng chia sẻ: Được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, hàng ngày, tôi đều có ghi chép đầy đủ thông tin vào sổ theo dõi nhập xuất lâm sản, qua đó cũng giúp chúng tôi chứng nhận được nguồn gốc, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Còn anh Đỗ Minh Thiện, Giám đốc Công ty CP Lâm sản Thái Nguyên (phường Đồng Bẩm) cho biết: Chúng tôi nhập khẩu các loại gỗ như: sến, lim, xoan đào, dổi, mít... từ Châu Phi về để kinh doanh gỗ phục vụ xây dựng, sản xuất ván ép, đồ mộc dân dụng. Mỗi lô hàng nhập, xuất chúng tôi đều có nguồn gốc, xuất xứ đầy đủ. Năm 2017, giá gỗ nhập khẩu tăng 30% so với năm 2016 nhưng giá bán sản phẩm vẫn giữ nguyên. Điều này cũng gây nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Tuy nhiên, do nỗ lực tiết kiệm chi phí sản xuất và nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ, doanh thu của Công ty năm nay, ước đạt 24,5 tỷ đồng, tăng 12% so với năm ngoái. Hiện, Công ty đang tạo việc làm ổn định cho 44 lao động với mức thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhằm quản lý hiệu quả các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm T.P Thái Nguyên đã tổ chức cho các cơ sở ký cam kết kinh doanh, chế biến lâm sản rõ nguồn gốc, không kinh doanh, cất giữ lâm sản trái phép. Đồng thời, yêu cầu mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có một quyển sổ theo dõi việc nhập - xuất lâm sản và ghi chép đầy đủ thực tế nguồn gốc gỗ, việc nhập - xuất gỗ... Cùng với đó, Hạt thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở khai báo kịp thời tình hình xuất, nhập - khẩu lâm sản.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thụ Minh, Tổ trưởng Tổ kiểm lâm cơ động - phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm T.P Thái Nguyên cho biết: Việc quản lý chặt chẽ sổ khai báo xuất - nhập khẩu lâm sản là cơ sở quan trọng để chúng tôi đối chiếu với hiện trường, phát hiện những vi phạm. Ngoài ra, trong kế hoạch kiểm tra truy quét tình hình khai thác, mua, bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép, Hạt đã bố trí lực lượng kiểm tra thực địa tại các cơ sở chế biến, kinh doanh nhiều loại gỗ như gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu… Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, chúng tôi chưa phải xử lý trường hợp nào vi phạm.
Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, Hạt Kiểm lâm thành phố còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn về quản lý phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Đồng thời, cập nhật kịp thời các văn bản, chính sách mới của Nhà nước nhằm định hướng cho các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản hoạt động ổn định, hiệu quả. Các cơ sở đều có máy móc, thiết bị đảm bảo đủ tiêu chuẩn hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở khá đa dạng, bao gồm gỗ nhập khẩu, gỗ rừng trồng, gỗ vườn tạp tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Đồng chí Ngô Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: Trên địa bàn xã có 5 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, chủ yếu dựa trên nguồn nguyên liệu sản xuất của địa phương như gỗ keo, gỗ rừng tạp, không có gỗ quý hiếm. Hằng năm, chúng tôi đều lồng ghép tổ chức các lớp tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tới các chủ rừng, chủ cơ sở kinh doanh lâm sản thông qua các buổi họp xóm. Toàn xã hiện có trên 450ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất. Nhiều năm nay, xã không có tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Đa số người dân đều nhận thức được nếu chấp hành tốt các quy định của Nhà nước thì việc sản xuất, kinh doanh sẽ diễn ra thuận lợi.
Từ nay đến giáp Tết Nguyên đán, tình hình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở chế biến lâm sản sẽ trở nên sôi động. Vì vậy, trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm thành phố sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vận chuyển, buôn lậu lâm sản trái quy định. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững.