Phú Bình là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh đang xây dựng, triển khai Dự án cánh đồng mẫu lớn với quy mô trên 220ha tại 3 xã: Úc Kỳ, Tân Đức và Xuân Phương. Đây được xem là dự án điểm của tỉnh, được kỳ vọng sẽ thành công để nhân rộng. Song, do thiếu nguồn lực, lại phải tự mày mò thực hiện nên Dự án đến nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn, cần được tiếp sức tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ.
Sở dĩ việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Phú Bình được ví như “đốt đuốc tìm đường” là bởi mô hình này chưa hề có tiền lệ, chủ thể vừa làm vừa mò mẫm học hỏi, vận dụng và rút kinh nghiệm.Tuy nhiên, với mong muốn hướng tới nền sản xuất hàng hóa công nghệ cao, cơ giới hóa sản xuất, cấp ủy, chính quyền cùng người dân huyện Phú Bình đã và đang dồn sức thực hiện Dự án. Nhưng nỗ lực tự thân chưa đủ.
Khát khao đổi mới
Phú Bình được biết đến là vựa lúa của tỉnh với diện tích và sản lượng lúa lớn nhất. Tuy nhiên, những năm qua, gạo sản xuất ra vẫn chưa trở thành hàng hóa, giá bán chưa cao, chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng cơ bản vẫn là do sự manh mún về ruộng đất, cùng với đó là tập quán canh tác, tư duy sản xuất nhỏ lẻ của người dân. Bà Dương Thị Nhung, người dân xóm Ngoài 1, xã Úc Kỳ cho hay: Nhà tôi có hơn 3 sào ruộng với 4 mảnh ở cách xa nhau, bờ ruộng nhỏ hẹp nên khi gieo cấy cũng như thu hoạch việc di chuyển đưa máy móc vào làm đất hay gặt lúa rất vất vả, mất nhiều thời gian và công sức.
Giống như bà Nhung, việc sở hữu nhiều thửa ruộng nhỏ lẻ là thực trạng phổ biến ở phần lớn các hộ dân làm nông nghiệp ở Phú Bình, trung bình là 7-8 thửa/hộ, cá biệt có những hộ lên tới 12-15 thửa ruộng. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân không thể đưa máy móc vào những thửa ruộng nhỏ bé của mình. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, sự manh mún có thể làm giảm từ 3-4% diện tích đất nông nghiệp do các bờ ngăn, bờ thửa, minh chứng là nhiều địa phương sau khi dồn điền đổi thửa (DĐĐT), diện tích đất nông nghiệp đã tăng lên hàng nghìn hecta. Ngoài ra, ruộng đất manh mún còn làm tăng phí lao động, hạn chế khả năng đầu tư và cơ giới hoá nông nghiệp. Chi phí sản xuất lớn, giá thành tăng cao, trong khi chất lượng sản phẩm thấp, thiếu khả năng cạnh tranh…
Thực tế trên là động lực thúc đẩy Phú Bình quyết tâm thực hiện DĐĐT, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hướng đến mỗi hộ gia đình chỉ có từ 1-2 thửa với diện tích bình quân từ 600-700m2/thửa trong vùng quy hoạch. Từ đây sẽ mở ra cơ hội đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, loại bỏ các tổn thất cho nông dân bằng cách tổ chức lại sản xuất, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật…
Những nỗ lực tự thân
Để biến những mong muốn, mục tiêu này thành hiện thực, đầu năm 2016, huyện Phú Bình đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng các khu cánh đồng có diện tích từ 50ha đến 100ha và chọn ra 3 xã có đủ điều kiện để triển khai, gồm: Úc Kỳ, Tân Đức và Xuân Phương. Trên cơ sở đó, Dự án “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao” đã được huyện xây dựng và trình lên UBND tỉnh. Trong đó, phân kỳ đầu tư được xây dựng rõ ràng theo thời gian, cụ thể: Năm 2016, hoàn thiện quy hoạch chi tiết DĐĐT, lập dự án đầu tư và thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình; giai đoạn 2017-2020, lần lượt triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở các xã. Ngay sau khi UBND tỉnh thông qua đề xuất (tháng 5-2016), Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Bình đã ra Chỉ thị; UBND huyện xây dựng kế hoạch và có hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức thí điểm cho 3 xã. Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc được thành lập từ huyện đến xã, các xóm liên quan thành lập tiểu ban DĐĐT. Bên cạnh đó, huyện cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban chuyên môn, đồng thời, cử cán bộ trực tiếp xuống xã, xóm để hướng dẫn, giám sát quá trình thực hiện. Để hỗ trợ kinh phí cho các xã thực hiện các phần việc, huyện trích ngân sách hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng/ha.
Song song với đó, huyện đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương: Bắc Giang, Hà Nam và Vĩnh Phúc. Cách làm này đã đem lại hiệu ứng tích cực khi mỗi thành viên trong đoàn sau khi quay về đã trở thành những “tuyên truyền viên”, phổ biến về lợi ích mà cánh đồng mẫu lớn mang lại. Có mặt trong chuyến tham quan tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), ông Đào Xuân Hòa, Trưởng xóm Ngoài, xã Tân Đức chia sẻ: Được tận mắt chứng kiến kết quả mà các địa phương đạt được, chúng tôi cảm thấy tin tưởng và có thêm quyết tâm. Trở về địa phương, để công tác DĐĐT tạo được sự đồng thuận chung, chúng tôi đã tích cực vận động, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về lợi ích của Dự án. Từ sự ủng hộ, thống nhất ý kiến của toàn thể người dân, xóm Ngoài được xã chọn làm điểm và thực hiện đầu tiên. Được biết, toàn bộ kinh phí tham quan được trích từ ngân sách huyện.
Từ sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn huyện, tháng 7-2017, công tác quy hoạch đã được hoàn thành. Theo đó, xã Úc Kỳ có diện tích được quy hoạch là 74,74ha với 2.865 thửa ruộng của 517 hộ dân; xã Xuân Phương với 92,81ha có 2.412 thửa ruộng của 884 hộ; xã Tân Đức với 59,59ha, có 1.469 thửa ruộng của 544 hộ dân. Tuy nhiên, do chưa có chương trình bài bản, cụ thể nên phương pháp mà huyện đang thực hiện vẫn là mò mẫm từng bước một. Cán bộ huyện sau khi tham khảo tại các địa phương sẽ áp các tiêu chí hỗ trợ của các tỉnh đi trước vào điều kiện thực tế của địa phương mình trên cơ sở điều chỉnh cho phù hợp. Đơn cử như việc quyết toán nguồn hỗ trợ của tỉnh cho quy hoạch (1,3 tỷ đồng), huyện cũng gặp khó khăn vì chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp trên. Do đó, huyện đã phải tham khảo hướng dẫn quyết toán xây dựng của tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc để thực hiện.
Khó khăn trong quá trình triển khai
Như đã đề cập từ ban đầu, DĐĐT để hình thành cánh đồng mẫu lớn là việc làm chưa từng có tiền lệ trên địa bàn tỉnh, do vậy, khó khăn trong quá trình triển khai là không tránh khỏi. Thực tế khi đi tìm hiểu ở cả ba xã, chúng tôi đều nhận được nhiều ý kiến của cán bộ và người dân về những vướng mắc trong quá trình triển khai như: Làm sao để dồn đổi đất, đảm bảo công bằng hợp lý cho người dân khi đồng ruộng có đất tốt, đất xấu; trong một vùng quy hoạch, có những hộ chỉ có 1 thửa ruộng nhỏ, hoặc chủ ruộng là người ở các xóm khác nhau… Ông Dương Văn Nguyên, Bí thư xã Úc Kỳ, chia sẻ: Nằm trong khu vực DĐĐT của xã có trên 40 ngôi mộ cần phải di dời mới đảm bảo mặt bằng “sạch” để bàn giao. Tuy nhiên, hiện tại nghĩa trang của xã đang quá tải, nếu đền bù để người dân chủ động di dời thì kinh phí không nhỏ, trên thực tế cũng chưa có nguồn để hỗ trợ thực hiện việc này.
Theo dự kiến, đến hết năm 2017, huyện cần hoàn thiện xong việc chỉnh trang đồng ruộng trên tổng diện tích là 226ha. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện mới chỉ có gần100ha bắt đầu được triển khai (đạt trên 40%). Lý giải về điều này, ông Lê Hồng, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Do các đơn vị tư vấn chưa có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch chi tiết DĐĐT và phối hợp với các địa phương còn hạn chế, nên mất nhiều thời gian để bổ sung, điều chỉnh. Kinh phí thực hiện cũng là một khó khăn đối với huyện. Trước đó, UBND tỉnh đã chấp thuận hỗ trợ 2 tỷ đồng để chi trả cho việc lập quy hoạch, song huyện mới được phân bổ 1,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp thi công cũng tự nguyện đồng hành cùng huyện, ứng trước kinh phí, song khối lượng công việc lớn, máy móc hạn chế nên vẫn chưa thể đảm bảo đúng tiến độ. Ngoài ra, mưa nhiều, người dân thu hoạch lúa mùa muộn, lúa nếp kéo dài nên để đảm bảo sản xuất, hết tháng 11, đơn vị thi công mới đưa máy móc vào đồng ruộng…
Có thể thấy rằng, việc hình thành cánh đồng mẫu lớn ở Phú Bình là chủ trương đúng và tất yếu, nhưng thực tế nếu chỉ có nỗ lực của huyện thì chưa đủ mà đi kèm với đó phải cần thêm sự chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh và nhiều nguồn lực khác nữa mới có thể thành công.