Cuộc chiến giữ rừng thường gian nan và không ít hiểm nguy. Để làm tốt việc bảo vệ gần 20.000ha rừng đặc dụng với hệ sinh thái núi đá vôi đặc trưng của vùng Đông Bắc bộ, lực lượng kiểm lâm của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai) phải thường xuyên bám rừng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ấy, điều thuận lợi với họ là luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ đắc lực củangười dân bản địa.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng thuộc địa phận 7 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai; có hệ sinh thái núi đá độc đáo với tính đa dạng sinh học cao, nhiều nguồn gen quý hiếm. Theo thống kê, trong Khu Bảo tồn này có 160 họ thực vật với 1.096 loài, trong đó có những loài quý hiếm như: củ bình vôi, giảo cổ lam, ba kích, nghiến, trai, đinh, sến… Có 295 loài động vật hoang dã, trong đó có những loài chim, thú quý hiếm, đặc biệt là khỉ mặt đỏ (nằm trong sách Đỏ Việt Nam). |
Những cuộc tuần tra kéo dài từ sáng sớm đến đến chiều muộn trong rừng có địa hình núi đá hiểm trở là một nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng. Đã vài lần có dịp tham gia cùng đoàn đi tuần, kiểm tra rừng như vậy, lần nào trước khi đi, tôi cũng được các kiểm lâm viên nhắc cần phải chuẩn bị sức khỏe và tâm lý thật tốt. Cung đường tuần tra thường là những lối mòn nhỏ bám theo các thung lũng và triền đá tai mèo luồn sâu vào vùng lõi rừng. Trèo đèo, lội suối, bị muỗi, vắt rừng tấn công… là những thách thức mà người tuần rừng hay gặp phải. Chưa kể, nếu thiếu kinh nghiệm hoặc không có người thạo địa bàn dẫn đường thì rất dễ bị lạc.
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Nghinh Tường, anh Hà Mậu Hiệp chia sẻ: Mỗi tuần, chúng tôi tổ chức tuần tra rừng từ 1 đến 2 buổi với sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó có cả những người dân nhận giao khoán rừng. Tính cả năm 2017, Trạm tuần tra được 68 buổi với gần 400 lượt người tham gia. Cũng trong năm, chúng tôi cùng với lực lượng của xã Nghinh Tường phối hợp với lực lượng chức năng các xã giáp ranh thuộc tỉnh Lạng Sơn tuần tra được 6 buổi tại những địa bàn “nóng” có nhiều nguy cơ xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Việc tuần tra thường xuyên giúp quản lý, nắm bắt tốt hiện trạng rừng, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi xâm hại để bảo vệ rừng tận gốc.
Vì được giao quản lý địa bàn rộng với 2.258ha rừng đặc dụng, lại có nhiều tuyến đường “tiểu ngạch” dẫn sang tỉnh Lạng Sơn nên Trạm Kiểm lâm Nghinh Tường có tới 9 kiểm lâm viên, nhiều nhất so với 6 trạm còn lại thuộc Hạt Kiểm lâm của Ban. Trực thuộc Trạm có 3 chốt đặt tại những địa điểm “nóng” nhất. Để đến chốt Bản Mùn, chúng tôi phải khá vất vả di chuyển mất khoảng 30 phút qua quãng đường chỉ 9km từ trung tâm xã Nghinh Tường. Chốt có 3 kiểm lâm viên nhưng chỉ có 1 người trực tại chỗ, 2 người còn lại thường xuyên tuần tra, bám rừng, bám dân để nắm tình hình. Theo kiểm lâm viên Nguyễn Ngọc Toàn, mỗi cán bộ kiểm lâm địa bàn được giao phụ trách từ 180 đến 300ha (có người được giao tới 500ha) rừng theo lô, khoảng cụ thể. Anh em ở xa nhà, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng đều trách nhiệm và tận tụy với nhiệm vụ giữ rừng. “Năm nào cũng vậy, chúng tôi phải thay nhau trực và ăn Tết trên rừng” – anh Toàn nói.
Cũng thuộc Trạm Kiểm lâm Nghinh Tường, chốt Lân Xá là chốt ở xa và có địa hình khó khăn nhất trong số các chốt, trạm kiểm lâm của Ban. Muốn đến đây phải đi bộ liên tục mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Anh Trần Tuấn Vững, phụ trách Chốt cho biết: Chốt nằm trong vùng lõi rừng, thuộc khu vực giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn và là nơi đã từng là “điểm nóng” vì hoạt động của lâm tặc nên chúng tôi được bố trí nhiều lực lượng tham gia trực cùng. Điều kiện ăn, ở rất khó khăn, không có điện, không sóng điện thoại nên anh em thiệt thòi nhiều thứ. Tuy vậy, không khi nào chúng tôi lơ là nhiệm vụ bám rừng, giữ rừng…
Không chỉ ở “điểm nóng” tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra phá rừng như xã Nghinh Tường, tại các địa bàn khác, nhất là ở những xã có nhiều rừng như: Thần Sa, Sảng Mộc, Thượng Nung… lực lượng kiểm lâm của Ban cũng được quán triệt chặt chẽ nhiệm vụ bám rừng, tăng cường tuần tra, truy quét, bảo vệ rừng tận gốc. Cùng với đó là việc huy động sự vào cuộc bảo vệ rừng của cộng đồng cư dân địa phương. Theo Phó Giám đốc Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, anh Phan Quốc Thụ, đến nay Ban đã giao khoán cho người dân được gần 15.000ha rừng. Người nhận giao khoán phải thực hiện kế hoạch tuần tra trong khu vực được giao, hoặc tuần tra chéo để giám sát lẫn nhau và chịu trách nhiệm khi rừng bị xâm hại.
Cũng theo anh Phan Quốc Thụ, ngoài trách nhiệm đối với diện tích được giao khoán, nhìn chung người dân trong Khu Bảo tồn ngày càng có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn, nhiều người đã cung cấp những thông tin có giá trị cho lực lượng kiểm lâm. Vì thế, dù có áp lực lớn khi hàng nghìn hộ dân đang sinh sống trong Khu Bảo tồn, nhưng nếu phát huy tốt vai trò của người dân thì đây lại là một thuận lợi cho công tác bảo vệ rừng. Xác định như vậy nên công tác tuyên truyền, vận động người dân đã và đang được Ban rất quan tâm. Các buổi tuyền truyền đến tận xóm, bản được tổ chức thường xuyên (năm 2017, Ban tổ chức được 40 buổi với gần 3.000 lượt người tham gia), thậm chí nội dung tuyên truyền còn được dịch ra tiếng Mông.
Kiểm lâm bám rừng, người dân có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng nên tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong rừng đặc dụng Võ Nhai đã giảm rất nhiều so với trước. Ông Hoàng Văn Thanh, người dân xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường nói: Cách đây vài năm có những đối tượng ở nơi khác đến thuê người dân bản địa khai thác, vận chuyển gỗ trái phép qua đây sang tỉnh Lạng Sơn, nhưng nay gần như không còn tình trạng này. Chúng tôi nhận giao khoán rừng, hiểu được giá trị của rừng nên đoàn kết để bảo vệ rừng tốt hơn…
Công tác bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã tốt hơn những năm trước là một thực tế, tuy nhiên đây đó vẫn còn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Bằng chứng là năm 2017, lực lượng kiểm lâm của Ban đã phát hiện, lập biên bản xử lý 41 vụ vi phạm lâm luật (giảm gần 32% so với cùng kỳ), tịch thu 21m3 gỗ và nhiều tang vật khác, tiêu hủy 30 lán trại lập trái phép trong rừng… Điều đó phần nào cho thấy, cuộc chiến giữ rừng ở đây vẫn còn nhiều cam go và những người có trách nhiệm với rừng không được phép buông lơi. Và Tết này cũng như mọi năm, 70% quân sốcủa Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng phải trực và ăn Tết trên rừng, bám rừng để giữ rừng.