Cần siết chặt quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp

09:54, 27/01/2018

Những năm gần đây, phong trào trồng rừng phát triển mạnh trên địa bàn huyện Định Hóa đã khiến nhiều hộ đua nhau xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, nhiều vườn ươm chưa đủ điều kiện sản xuất cây giống theo quy định nhưng vẫn tiến hành sản xuất, kinh doanh cây giống làm ảnh hưởng không nhỏ đến đến chất lượng và hiệu quả kinh tế của rừng trồng.

Mặc dù đi vào hoạt động từ năm 2000, nhưng đến nay, cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp của gia đình bà Trịnh Thị Hiên, xóm Yên Hòa 1, xã Bình Yên (Định Hóa) vẫn chưa thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất cây giống theo quy định. Trung bình mỗi năm, cơ sở này xuất bán bán ra thị trường khoảng 35 vạn cây giống các loại. Không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân tại địa phương, cơ sở này còn xuất bán cây giống cho các thương lái vận chuyển đi tiêu thụ tại những huyện lân cận như: Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ... Bà Trịnh Thị Hiên, chủ cơ sở cho biết: Tôi tự mua hạt giống về gieo ươm, sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, ươm mãi thành quen chứ chẳng cần phải tập huấn, học hỏi ở đâu. Miễn sao cây giống phát triển đều là được...

Vườn ươm của gia đình ông Lương Văn Sự, xóm Pa Goải, xã Phượng Tiến (Định Hóa) đã đi vào hoạt động được hơn 2 năm nay nhưng cũng chưa có giấy phép sản xuất cây giống. Ông Sự cho biết: Mỗi năm gia đình tôi gieo ươm và bán ra thị trường trên 10 vạn cây giống các loại gồm: keo lai, quế, lát, lim xanh... Khi đến vụ gieo ươm cây giống, tôi thuê 4-5 lao động địa phương đến đóng bầu, gieo hạt, khi nào cây đủ kích thước thì xuất bán chứ chẳng cần cơ quan nào kiểm tra, chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất vườn.

Trung bình mỗi năm huyện Định Hóa trồng mới khoảng 1.000-1.200ha rừng. Nhu cầu về lượng cây giống trên địa bàn khoảng 3,5-4 triệu cây các loại để phục vụ cho trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều hộ gia đình đã xây dựng và phát triển vườn ươm để sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện có 31 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nằm rải rác khắp các xã, thị trấn với tổng sản lượng cây giống khoảng 5 triệu cây/năm.

Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp phải có giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh cây giống; bên cạnh đó hạt giống nhập về phải có hồ sơ nguồn gốc rõ ràng... Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa và cuối năm 2017 cho thấy, trong số 31 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện thì có đến 16 cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 9 cơ sở không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hạt giống... Hầu hết các cơ sở gieo ươm đều hoạt động ngay tại hộ hộ gia đình với quy mô nhỏ lẻ (từ 5 đến 10 vạn cây giống/vụ) nên việc đầu tư xây dựng vườn ươm còn chưa đúng quy cách. Theo quy định, vườn ươn cây giống phải được chia tách thành các khu, lô riêng biệt: Gieo hạt, cấy cây, đặt bầu, nhà giâm hom, khu lưu cây... Tuy nhiên, hầu hết các vườn ươm trên địa bàn huyện đều chưa làm được điều này. Bên cạnh đó, trình độ kỹ thuật trong sản xuất gieo ươm cây giống của các cơ sở còn hạn chế. Hầu hết, các cơ sở đều gieo ươm dựa trên kinh nghiệm mà không được tập huấn về khoa học - kỹ thuật. Lý giải về việc không có giấy phép đăng ký kinh doanh, nhiều chủ hộ sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp chống chế với lý do thủ tục xin phép rườm rà nên ngại thực hiện. Một số hộ còn lo ngại sau cấp phép sẽ phải thực hiện kiểm tra, kiểm định chất lượng sau mỗi mùa vụ, tốn kém nhiều chi phí. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết, thực tế thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh giống cây lâm nghiệp khá đơn giản. Chủ cơ sở chỉ cần làm đơn xin đăng ký, sau đó, cơ quan chức năng đến kiểm tra, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thì sẽ được cấp giấy chứng nhận sau khoảng nửa tháng.

Theo cơ quan chuyên môn, sản xuất, kinh doanh cây giống tự phát không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, việc trồng cây từ giống trôi nổi, không bảo đảm chất lượng còn để lại nhiều hệ lụy, làm phát tán sâu bệnh gây thiệt hại cho người trồng rừng. Nếu người trồng rừng sử dụng giống cây lâm nghiệp kém chất lượng thì hậu quả mang lại rất lớn, vì giống cây lâm nghiệp có chu kỳ phát triển khá dài, phải mất từ 2-3 năm sau mới có thể phát hiện ra là đã mua phải cây giống kém chất lượng. Khi đó, nếu chặt bỏ thì tiếc mà để lại thì hiệu quả kinh tế không cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Hà, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Cuối năm 2017, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gieo ươm giống cây lâm nghiệp trên địa bàn. Qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện nhiều cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hạt giống. Chúng tôi đã tiến hành nhắc nhở và yêu cầu chủ các cơ sở này phải phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất cây giống theo quy định. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch kiểm tra lại các cơ sở này, nếu cơ sở nào chưa chấp hành thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Để từng bước quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn, thời gian tới, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của huyện Định Hóa cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, đặc biệt là tại các vườn ươm của hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; đồng thời kiểm soát chặt việc vận chuyển, lưu thông cây giống trên thị trường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, người trồng rừng cũng cần phải chủ động lựa chọn cây giống tại các cơ sở đã được chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm uy tín, chất lượng theo quy định.