Dệt ước mơ trên đồng ruộng

22:41, 06/01/2018

Đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng nhà kính sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP - Anh Nguyễn Quang Nạp, xóm Trung Na, xã Tiên Hội (Đại Từ) là người đầu tiên trong tỉnh dám làm việc này. Việc làm mang tầm “chiến lược”, góp phần cung cấp nguồn rau an toàn bền vững vì sức khỏe cộng cộng lại được xuất phát từ những mong muốn hết sức giản dị là mang chính kiến thức mình đã được học về phục vụ quê hương, làm giàu chính đáng trên mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên.

Việc anh Nạp bỏ ra tiền tỷ thu về “tiền vừng”  là một sự mạo hiểm trong cách nghĩ của nhiều người. Bởi rau so với nhiều nguồn thực phẩm khác phục vụ cho một bữa ăn gia đình có giá thành rẻ nhất; hơn nữa, hiện nay người dân cũng chưa biết cách phân biệt đâu là rau an toàn, đâu là rau “bẩn”, trong khi để sản xuất ra một kg rau công nghệ cao lại có giá thành cao hơn một kg rau sản xuất theo phương pháp truyền thống, nên khó khăn trong việc tiêu thụ. “Nhưng nếu không liều, không dám nghĩ, dám làm thì ước mơ mãi mãi vẫn chỉ là ước mơ. Để biến ước mơ thành hiện thực không còn cách nào khác là phải liều, chấp nhận đương đầu với những khó khăn, thử thách”. - Anh Nạp đã nghĩ như vậy, và từ ý tưởng của anh, năm 2016, Hơp tác xã Nông nghiệp Trung Na được thành lập, với 11 xã viên, chuyên sản xuất, cung cấp rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hơn 3 tỷ đồng được đầu tư để xây dựng 10.000m2 nhà kính, trang bị các máy móc hiện đại (máy xay đất, phun sương, máy tra hạt, hệ thống tưới nước nhỏ giọt...) để sản xuất các loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Nạp cho biết: “Chúng tôi sử dụng nguồn nước tưới rau được dẫn về từ suối Kẹm (xã Hoàng Nông), tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục bón cho rau, tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới. Việc chăm sóc đều có nhật ký ghi chép để thu hoạch đúng độ chín của rau”. Chị  Nguyễn Thị Xuân, xóm Gò Thang, xã Khôi Kỳ cho hay: Tôi cùng một số chị em khác được anh Nạp thuê đến chăm sóc rau. Chúng tôi làm việc trong điều kiện rất thuận lợi, có nhà kính che mưa, nắng, máy móc hiện đại, hệ thống tưới tiêu khoa học, sạch sẽ do nguồn nước chảy ra từ núi Tam Đảo ra suối Kẹm, không bị ô nhiễm. Mỗi ngày lao động, chúng tôi nhận thù lao 150 nghìn đồng/người. Tôi thấy hài lòng với mức thu nhập này và mong muốn được làm lâu dài cho anh Nạp. 

Với sự đam mê với nghề nông, anh Nạp không chỉ dồn công sức, tiền của vào xây dựng mô hình trồng rau công nghệ cao mà còn gửi gắm cả cái tâm, mong muốn được góp phần đảm bảo bữa ăn an toàn cho mọi gia đình; mong muốn tạo thêm được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Nhưng hiếm có thành công nào là dễ dàng, đầu năm 2017, chỉ sau một đêm, mưa bão đã “cuốn” đi hơn 1 tỷ đồng của anh Nạp. Nhìn toàn bộ 10.000m2 nhà kính bị đổ sụp, rau màu úa tàn, tan hoang, anh Nạp suy sụp. Không có lẽ mọi sự kết thúc ở đây? Sau nhiều đêm trăn trở, cộng với sự động viên của gia đình, anh em, bạn bè, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền..., anh Nạp quyết tâm làm lại từ đầu.

Tháng 9-2017, Hợp tác xã Nông nghiệp Trung Na tái hoạt động, trung bình mỗi ngày cho thu hoạch hơn 3 tạ rau ăn lá, thân. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa phải đã hết, anh Nạp phân trần: Sản xuất ra một kg rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi những quy trình nghiêm ngặt từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, nhưng khi mang ra thị trường người dân vẫn hoài nghi, thậm chí không lựa chọn bởi mẫu mã rau an toàn không được bóng mượt, xanh non mỡ màng như rau sản xuất truyền thống. Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp, ngành chức năng trong việc tuyên truyền, giúp đỡ Hợp tác xã tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững.

Cùng với anh Nạp ra thăm khu nhà kính sản xuất rau an toàn công nghệ cao, chúng tôi không khỏi ái ngại khi đi trên con đường liên xã nhỏ hẹp, lầy lội. Anh Nạp thở dài nói: “Đó cũng là một trong những trở ngại khi các thương nhân tìm đến mua rau của Hợp tác xã. Hy vọng con đường này sẽ sớm được huyện đầu tư mở rộng, đổ bê tông, giúp bà con đi lại thuận lợi, chúng tôi cũng dễ dàng hơn trong việc thông thương sản phẩm rau an toàn”.

Không chùn bước, nản lòng trước những khó khăn, với ý chí vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, ngoài đầu tư sản xuất 5ha rau an toàn, anh Nạp đang tiếp tục đầu tư trồng hơn 30ha nghệ trên đồng đất Tiên Hội, Khôi Kỳ để cung cấp cho các công ty sản xuất tinh bột nghệ. Một tấm gương vượt khó, đầy nghị lực khiến chúng tôi nể phục. Chúng tôi cùng hy vọng và cầu chúc cho Hợp tác xã Nông nghiệp Trung Na sẽ gặt hái được nhiều thành công khi có những con người dám nghĩ dám làm như anh Nạp..