Những năm gần đây, không ít những sản phẩm chăn nuôi theo hướng an toàn của một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã trở thành “đặc sản” được nhiều người tiêu dùng tìm mua, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Thấy được tiềm năng đó, thời điểm này, các hộ dân đang tích cực chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Vào một ngày cuối năm, chúng tôi đến xã Tân Khánh (Phú Bình), một trong những vùng chăn nuôi gà có tiếng của huyện và đã được công nhận nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Phú Bình”. Được biết, từ nhiều tháng trước, các hộ đã chuẩn bị lứa gà phục vụ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX Chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh thông tin: Nhằm đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết, HTX đang duy trì tổng đàn gà trên 30.000 con (tăng 30% so với thời điểm thông thường). Trong đó, gà ta gần 25.000 con, gà chọi lai duy trì ở mức 6.500-7.000 con. Hiện tại, giá gà đã tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg so với ngày thường. Cụ thể: Giá gà ta dao động từ 70.000-75.000 đồng/kg, gà lai chọi có giá 55.000 đồng/kg. Để có đàn gà khỏe mạnh, chất lượng, các hộ chăn nuôi đã thực hiện tiêm đầy đủ các loại vacxin, đồng thời, vệ sinh sạch sẽ, che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn gà…
Có kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi gà thả đồi, Tết này, gia đình chị Nguyễn Thị Trang, thành viên HTX, ở xóm Đồng Bầu, xã Tân Khánh, đã chuẩn bị gần 2.000 con gà ri để cung cấp cho thị trường. Chị cho biết: Trung bình, thời gian nuôi một lứa gà từ 3,5-4 tháng là được xuất bán, riêng lứa gà Tết, tôi nuôi thêm hơn chục ngày để gà đẹp mã và chắc thịt hơn. Thông thường, mỗi lứa trên dưới 1.000 con, tôi thu lãi khoảng 10-15 triệu đồng. Gà năm nay được giá, bán cũng thuận lợi hơn, tôi nhẩm tính Tết năm nay, thu nhập chắc chắn sẽ cao hơn so với ngày thường. Đầu tháng 12 Âm lịch, thương lái sẽ bắt đầu lên xem chất lượng sản phẩm để đặt trước.
Là một trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ đạo bên cạnh rượu men lá Cốc Lùng, chăn nuôi lợn rừng thương phẩm đang được HTX Thiên Lộc (Định Hóa) triển khai từ năm 2015. Trong tổng đàn 150 con lợn rừng, 120 con sẽ được HTX xuất bán đúng dịp Tết Nguyên đán. Điểm đặc biệt là toàn bộ quá trình chăn nuôi được HTX thực hiện theo quy trình hữu cơ bằng thảm ủ sinh học. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được HTX ưu tiên hàng đầu. Ngoài tiêm các loại vacxin phòng bệnh dịch cho đàn lợn theo hướng dẫn của cơ quan thú y, HTX còn chủ động phòng bệnh tiêu chảy, đường ruột cho lợn bằng các loại lá cây sẵn có ở địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Viên, Phó Giám đốc HTX cho biết: Ngay từ đầu tháng 6 Âm lịch, HTX đã tăng hàm lượng thức ăn thô trong khẩu phần ăn của lợn để thịt ăn chắc. Những ngày cuối trước khi xuất bán (sau 13-15 tháng), mỗi con lợn sẽ được chăn khoảng 2 lạng cám gạo/ngày, còn lại là rau xanh, thân chuối, bèo, cỏ voi… Dự kiến, mỗi con lợn rừng khi xuất chuồng sẽ đạt trọng lượng 30-35 kg/con. Với giá bán trung bình 130.000 đồng/kg (tăng 8-10% so với ngày thường), từ nay cho đến Tết, HTX sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 4-5 tấn lợn hơi. Còn lại 30 con nái và đực giống, chúng tôi sẽ giữ lại làm giống cho lứa sau. Hiện tại, HTX đang gấp rút thực hiện các thủ tục để đăng ký mã vạch và cấp giấy chứng nhận an toàn cho sản phẩm thịt lợn rừng.
Cũng dồn sức chăm sóc đàn đà điểu gồm 100 con suốt 12 tháng, vụ Tết này, anh Trần Quang Ích, Giám đốc HTX Song Mã (chuyên chăn nuôi đà điểu, vịt, gà, cá…) , ở xã Minh Tiến (Đại Từ) dự định sẽ xuất 50 con đà điểu với trọng lượng trung bình khoảng 100-140kg/con, giá bán từ 250.000-270.000 đồng/kg thịt đà điểu. Anh Ích cho biết: Vốn là loài hoang dã nên chăn nuôi đà điểu không tốn quá nhiều chi phí, bởi thức ăn của chúng chủ yếu là rau, cỏ, ngô, khoai sắn, thóc… Do vậy, ngoài giá trị dinh dưỡng cao thì thịt đà điểu luôn được người tiêu dùng tin cậy bởi tính an toàn của nó. Đây là năm đầu tiên HTX xuất bán sản phẩm. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng nay, đã có rất nhiều đơn vị tìm đến với chúng tôi đặt vấn đề mua toàn bộ trang trại để cung cấp cho các nhà hàng và các cơ sở làm giò Tết. Hiện chúng tôi đã xuất bán 2 con đà điểu với trị giá trên 10 triệu đồng/con. Còn tại HTX Ngựa bạch xóm Phầm (Phú Bình), các sản phẩm như: giò ngựa, thịt ngựa, cao ngựa… luôn được không ít khách hàng săn đón. Năm 2017, HTX xuất ra thị trường 12-13 tấn sản phẩm các loại. Riêng giò ngựa, HTX đã tiêu thụ được khoảng 6-7 tấn chỉ trong vụ Tết năm ngoái. Với chất lượng thơm ngon, hương vị đặc trưng, đặc biệt là đã được chứng nhận an toàn thực phẩm nên sản phẩm giò của HTX được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng. Theo thông tin từ Ban quản trị HTX, thời điểm trước và trong Tết, sản lượng cung cấp sẽ tăng từ 3-5% so với ngày thường, tuy nhiên, giá bán sẽ được HTX giữ ổn định để tăng sức mua trong nhân dân. Cụ thể: thịt ngựa là 300.000 đồng/kg; giò ngựa là 280.000 đồng/kg; cao ngựa là 1,2 triệu đồng/lạng…
Khảo sát tại một số HTX khác, chúng tôi nhận thấy nguồn cung nông sản phục vụ nhu cầu hàng ngày, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán đang khá dồi dào và phong phú với nhiều chủng loại, nhiều “đặc sản” mới. Với trên 100 HTX chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn sản phẩm. Điểm mới trong thị trường chăn nuôi năm nay đó là bên cạnh gia tăng về sản lượng, trọng lượng, ngày càng hộ dân đã nhận thức được hiệu quả từ việc liên kết các nhóm, hộ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đây, chăn nuôi được thực hiện khoa học, an toàn theo hướng sinh học, không sử dụng chất tăng trọng, thuốc kháng sinh nên sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Đáng mừng là giá bán các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán năm nay đều tăng hơn so với ngày thường và hứa hẹn thị trường rộng mở. Hy vọng rằng, với ý thức nghiêm túc của các hộ chăn nuôi, các sản phẩm sạch, an toàn sẽ đến gần hơn với người tiêu dùng, để không chỉ có vụ Tết mà tất cả các ngày khác trong năm, người chăn nuôi vẫn có được nguồn thu nhập cao và ổn định…