Chè hiện là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của nhiều hộ dân ở Đồng Hỷ. Những năm qua, người dân trong huyện không chỉ mạnh dạn thay thế giống chè trung du cằn cỗi bằng các giống chè cành có năng suất, chất lượng mà còn tập trung làm chè vụ đông, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập.
Mặc dù đang là mùa đông nhưng nhiều đồi chè ở xã Văn Hán vẫn mướt xanh, trổ búp non mơn mởn. Ông Đoàn Hồng Minh, ở xóm Thái Hưng, xã Văn Hán cho biết: Khoảng 6-7 năm trước, vào vụ đông, hầu hết diện tích chè của bà con thường không cho thu nhập. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động để làm chè đông. Vụ đông năm nay, gia đình tôi làm khoảng 15 sào chè, 100% llà giống chè giâm cành LDP1 và TRI777. Mỗi năm, gia đình thu hái được 3 lứa chè vụ đông, đem lại nguồn thu nhập khoảng 3 triệu đồng/sào/lứa.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng phòng Nöng nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Hiện nay, Đồng Hỷ có trên 3.000ha chè kinh doanh, trong đó diện tích chè cành chiếm trên 1.600ha chủ yếu là các giống: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Bát Tiên... Những năm gần đây, ngày càng nhiều hộ dân đầu tư làm vụ chè đông, đem lại nguồn thu nhập khá cho kinh tế gia đình. Bởi vậy, diện tích chè vụ đông tăng lên theo từng năm. Năm nay, tổng diện tích chè đông của huyện là trên 900ha, tăng trên 100ha so với năm ngoái. Diện tích chè vụ đông tập trung chủ yếu ở các xã vùng trọng điểm chè của huyện như: Minh Lập, Hòa Bình, Văn Hán, Khe Mo, thị trấn Sông Cầu.
Theo phương thức làm chè truyền thống, trong những tháng mùa đông, hầu hết diện tích chè đều không cho thu hoạch. Đến khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 Âm lịch hằng năm, bà con đốn chè để chuẩn bị cho vụ thu hoạch chè chính vụ. Giờ đây, sau khi thu hái lứa chè cuối vụ, bà con bắt đầu tập trung tưới nước, bón phân để thu thêm 2-3 lứa chè vụ đông trước khi bước vào thu hái vụ chè chính vụ. Tuy nhiên, để làm được chè vụ đông, đồi chè phải thuận lợi nguồn nước tưới, trung bình phải tưới 2-3 lần/tuần. Cá biệt, vào thời điểm giá rét, sáng nào bà con cũng phải tưới để rửa sương muối cho cây. Thế nhưng, ưu điểm trong làm chè vụ đông là cây ít bị sâu bệnh hơn so với làm chè chính vụ. Lượng phân bón cũng không tăng nhiều, thậm chí còn phải giảm bón các loại phân đạm, kali so với làm chè chính vụ. Thêm nữa, giá chè vụ đông cũng cao gấp 2-3 lần, lại dễ bán hơn so với chè chính vụ. Chính những ưu điểm này đã khiến càng nhiều người dân ở Đồng Hỷ mạnh dạn đầu tư làm chè vụ đông.
Ông Hoàng Văn Dũng, ở xóm Na Lưa, xã Khe Mo chia sẻ: Vụ đông năm nay, gia đình tôi làm 2 sào chè giâm cành LDP1. Thời gian thu hái giữa 2 lứa chè vụ đông thường dài hơn chè chính vụ, khoảng 50 đến 60 ngày (thời gian thu hái giữa 2 lứa chè chính vụ thường là 30 ngày). Cùng với đó, năng suất chè vụ đông cũng chỉ bằng 1/2 chè chính vụ. Nhưng ngược lại, giá bán chè vụ đông lại cao gấp 2-3 lần so với chè chính vụ. Nếu như vào chính vụ, giá chè chỉ ở mức từ 100.000 đến 150 .000 đồng/kg chè búp khô thì vụ đông, giá chè lên tới 250.000 đến 300.000 đồng/kg chè búp khô.
Có thể nói, yếu tố quan trọng nhất để làm chè vụ đông là phải chủ động được nguồn nước tưới. Bởi vậy, vài năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Đồng Hỷ đã nạo vét lại các giếng đào hoặc khoan giếng, đầu tư lắp hệ thống tưới nước tự động, mua máy bơm, ống dẫn nước để bơm, dẫn tưới cho chè. Theo thống kê, diện tích chè chủ động được nguồn nước tưới ở Đồng Hỷ hiện chiếm khoảng 30% tổng diện tích chè toàn huyện. Chị Triệu Thị Tỉnh, xóm Na Rẫy, xã Khe Mo cho biïët: Vụ đông này, gia àình tôi làm 2 sào chè LDP1. Mặc dù năng suất chè vụ đông chỉ bằng một nửa so với chè chính vụ nhưng lại góp phần tạo việc làm, giá bán chè lại cao gấp 2-3 lần so với làm chè chính vụ. Bởi vậy, ngay đầu vụ đông, gia đình tôi đã đầu tư trên 10 triệu đồng để khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho toàn bộ diện tích chè của gia đình.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng phòng Nöng nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết thêm: Những năm qua, Phòng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc và chế biến chè cho nông dân. Đồng thời, tham mưu UBND huyện hỗ trợ người trồng chè mua máy móc, thiết bị chế biến và lắp đặt hệ thống tưới nước cho cây chè. Chỉ tính riêng năm 2017, huyện đã hỗ trợ người dân mua máy móc, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho 11,5ha chè