Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vụ xuân

09:50, 24/01/2018

Càng gần đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, không khí lao động sản xuất của nông dân huyện Đại Từ càng trở nên nhộn nhịp. Trên các cánh đồng, bà con đang tập trung cày, bừa ải đất để chuẩn bị cho việc gieo cấy vụ xuân. Năm nay, khung gieo cấy lúa xuân chính vụ trùng đúng vào Tết, thế nên thời điểm này, người dân đã tập trung chuẩn bị tất cả các điều kiện để đến giáp Tết sẽ bắt đầu tiến hành cấy.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Vụ Xuân năm nay, huyện Đại Từ có kế hoạch gieo cấy gần 5.700ha lúa, 100ha ngô, 1.570ha cây màu. Trong đó, cây khoai lang: 110ha, đậu tương 40ha, lạc 150ha, đậu đỗ các loại: 120ha, rau: 795ha, còn lại là cây sắn. Với mục tiêu, vụ sản xuất này sẽ đạt sản lượng lương thực 33.180 tấn, trong đó: Thóc 32.768 tấn, ngô 412 tấn. Huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch gieo trồng đúng khung thời vụ, đặc biệt là tập trung chỉ đạo mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại cây trồng, đưa các giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Đối với cây lúa, tập trung vào các giống: Bắc thơm số 7, J02, Thiên ưu 8, Hương Thơm số 1, DQ11, Nếp 97 và các giống lúa lai: SL8H-GS9, TH3-5, HKT99, PHB71. Với cây ngô, sử dụng các giống ngô như: LVN99, NK4300, NK6654, GS9989, DK9955, HN88, CP999...

Cùng với lúa và ngô, bà con các địa phương mở rộng diện tích trồng những loại cây màu có hiệu quả, sử dụng giống cây rau màu có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao có thị trường tiêu thụ. Đối với những nơi có diện tích ruộng tập trung, huyện xây dựng các diện tích “một vùng, một giống, một thời gian gieo trồng” để tạo sự đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành sản xuất và thuận lợi cho việc đầu tư chăm bón, nhất là phòng trừ sâu bệnh và phân bố nước giữa các chân ruộng được thuận lợi. Về các biện pháp gieo cấy, đến nay Trạm Khuyến nông huyện đã tập huấn hướng dẫn cho 100% nông dân các địa phương kỹ thuật áp dụng phương pháp gieo mạ nền, gieo mạ dày xúc và phải được che phủ nilon khi nhiệt độ xuống dưới 13oC.

Tại cánh đồng thuộc xóm Đồng Vẽn, xã Phú Lạc, bà con ở đây đang tập trung cày lật đất, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị bước vào gieo cấy. Chị Vi Thị Nga, nông dân xóm Đồng Vẽn cho biết: Gia đình tôi có 8 sào ruộng đều tập trung ở cánh đồng này. Đây là cánh đồng tập trung của nhiều hộ dân trong xóm với diện tích rộng trên 12ha, nên có lợi thế để đưa khoa học kỹ thuật vào gieo cấy. Chính vì thế, mấy năm nay, những người có ruộng ở cánh đồng này đã tham gia sản xuất cánh đồng một giống lúa chất lượng cao với diện tích 12,8 ha. Bà con bảo nhau cấy cùng thời điểm, chia sẻ nhau cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch. Qua đó, tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất, giảm chi phí lao động thủ công và có sản phẩm hàng hóa giá trị cao trên thị trường.

Ngoài cánh đồng một giống này, xóm Đồng Vẽn còn thành lập ra câu lạc bộ cấy lúa theo phương pháp SRI. Hiện nay, Câu lạc bộ có 40 thành viên, 100% đã áp dụng phương pháp cấy lúa SRI. Cứ đầu vụ, Câu lạc bộ lại triển khai kế hoạch cấy lúa SRI, Bí thư Chi bộ xóm là người trực tiếp hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật, người dân chỉ việc thực hiện theo. Đây là phương pháp cấy mới vừa tiết kiệm giống, công lao động, không cần sử dụng đến thuốc diệt cỏ, cây lại sinh trưởng đẻ nhánh tốt, không đổ, ít sâu bệnh, bông dài, hạt to chắc. Qua thực hiện phương pháp cấy lúa này nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa, giảm chi phí đầu vào và bảo vệ môi trường.

Không riêng bà con xóm Đồng Vẽn, mà vụ xuân này, huyện Đại Từ có thêm nhiều cánh đồng áp dụng phương pháp sản xuất này, nhất là đối với các địa phương có cánh đồng rộng, ruộng tập trung thành một khu như: Mỹ Yên, Văn Yên, Phú Lạc... với tổng diện tích khoảng trên 100ha.

Bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, huyện cũng đã chuẩn bị tốt các điều kiện khác như: giống, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư phân bón... Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ các vụ gieo trồng trước là vẫn xảy ra sâu bệnh hại trên diện rộng, năm nay, huyện sẽ tăng thêm các điểm điều tra dự tính, dự báo sâu bệnh hại. Cán bộ Trạm trồng trọt bảo vệ thực vật là đội ngũ nòng cốt thường xuyên kiểm tra thăm đồng, dự tính, dự báo diễn biến sâu bệnh, đồng thời có biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời, không để sâu bệnh lây lan thành dịch làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Ngoài ra, Trạm thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, tham mưu cho UBND huyện thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn trong vụ xuân năm 2018. Đồng thời, triển khai cho các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn ký cam kết niêm yết giá bán công khai và cam kết buôn bán, kinh doanh các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định của Nhà nước. Qua đó nhằm bảo vệ tốt cho các loại cây trồng khỏi dịch bệnh và đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản.

Năm nay, theo dự báo thời tiết, sẽ còn có các đợt rét đậm, rét hại trong thời gian diễn ra gieo trồng vụ xuân, vì thế, thời điểm này, khi mạ đang lên xanh, người dân các xã, thị trấn cần thực hiện tốt kỹ thuật che phủ cho mạ, không để mạ chết rét, tránh trường hợp phải gieo lại làm ảnh hưởng đến khung thời vụ. Đến sau Tết Nguyên Đán, tranh thủ khi thời tiết ấm áp là bà con tiến hành cấy ngay, tuyệt đối không tiến hành cấy khi nhiệt độ xuống thấp làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lứa.