Một thoáng Bá Vân

16:35, 19/02/2018

Nằm ở khoảng giữa của 2 đô thị lớn nhất tỉnh (T.P Thái Nguyên và T.P Sông Công), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi - nhiều người vẫn quen gọi tên cũ là “Trại ngựa Bá Vân”(thành lập năm 1960), khiêm nhường nép bên dòng sông Công hiền hòa. Cảnh sắc nơi đây giống như bao miền quê trung du khác bởi vẻ thanh bình, yên ả. Ở đó có những con người bao năm lặng lẽ nghiên cứu, lặng lẽ chăm bẵm đàn gia súc quý hiếm để góp sức cho những mục tiêu lớn của ngành Nông nghiệp.

Trên khu đất 70ha vốn cằn cỗi mà Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) đang quản lý, từng đám cỏ lớn vẫn ranh rì, tràn trề sức sống bất chấp thách thức từ sự khắc nghiệt của thời tiết. Trời rét đậm nên đàn trâu, bò, ngựa của Trung tâm được “ưu ái” yên vị trong chuồng, trong khi những công nhân vẫn cặm cụi ra bãi thu hoạch cây, cỏ về chế biến thức ăn phục vụ chúng. “Khó tính” nhất là đàn ngựa, trời lạnh nếu bị mưa ướt hoặc ăn phải cỏ quá ướt là chúng dễ bị “cước” chân và hay dở chứng đau bụng, nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ khó qua khỏi.

Chị Trần Thị Sao làm công nhân tại Trung tâm được 22 năm và đã có kinh nghiệm gần 10 năm chăm sóc ngựa. Đến giờ cho ngựa ăn, người phụ nữ nhỏ bé thoăn thoắt đôi tay vận chuyển cỏ vào từng ô chuồng cho những “nàng” ngựa Bạch đỏng đảnh, ngựa Lai lực lưỡng và những chú ngựa Kabadin đang hau háu ngóng chờ. Chị vừa làm vừa luôn miệng: “Loài ngựa tình cảm và khôn lắm, nếu có kinh nghiệm chăm chúng thì rất dễ còn không thì chẳng đơn giản chút nào…”.

Chị Sao cũng như những “nài” ngựa khác, khi mới làm quen với chúng đều gặp khó khăn, thậm chí tai nạn như bị ngựa cắn, đá gây thương tích. Ngoài làm việc 8 tiếng mỗi ngày, cứ 4 ngày chị Sao phải trực 1 đêm, những đêm trực như vậy, 2 tiếng chị phải đi kiểm tra chuồng ngựa 1 lần. Công việc không nhàn, thu nhập cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng nhưng những công nhân như chị không cảm thấy nhàm chán bởi “khuyển mã chi tình”, những chú ngựa như có tình cảm và biết thương người chăm sóc chúng.

Người mới tiếp nhận việc chăm sóc ngựa phải được những công nhân có kinh nghiệm kèm cặp, hướng dẫn hàng tháng trời và không phải ai cũng phù hợp với công việc này. Theo ông Hàn Quốc Vương, người đã có 33 năm công tác tại Trung tâm: “Người chăm ngựa phải kiên trì, tính tình ôn hòa, cử chỉ nhẹ nhàng mới tốt. Có người “không hợp” nên cứ tiếp xúc với ngựa là bị chúng ghét, mà lũ ngựa cũng nhớ lâu và thù rất dai”. Đã nghỉ hưu nhưng vì công việc nghiên cứu về ngựa, chăm ngựa đã ngấm vào máu nên thỉnh thoảng ông Vương lại vào Trung tâm cùng đồng nghiệp cũ đàm đạo về loài vật nuôi thú vị này.

Trong những câu chuyện ấy, ôngVương và các cộng sự cũ hay nhắc đến giống ngựalai đua, một trong những thành quả nghiên cứu quan trọng nhất của ông và các đồng nghiệp từ năm 2006. Ông bảo: Một con ngựa đực đua thuần chủng nhập ngoại có giá nhiều tỷ đồng, các thủ tục nhập về lại rất khó khăn nên Trung tâm chỉ có thể nhập tinh về lai tạo. Mỗi liều tinh ngựa đua cũng phải mua mất hàng chục triệu đồng mà tỷ lệ thụ tinh thành công chỉ khoảng 30%, nên ai được giao nhiệm vụ này đều rất áp lực… Bằng sự nghiên cứu kỹ lưỡng và tâm huyết của cả Trung tâm, nhiệm vụ khó khăn này được hoàn thành xuất sắc. Những lứa ngựa lai 3 máu (giống thuần chủng + Kabadin và ngựa bản địa) “mede in Việt Nam” ra đời với nhiều ưu điểm và đã được xuất bán ra thị trường…

Cùng với việc nghiên cứu, lai tạo và nhân giống thành công ngựa đua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi từ hàng chục năm qua vẫn luôn làm tốt nhiệm vụ bảo tồn gene và phát triển giống ngựa bạch quý hiếm, đặc biệt là duy trì giống gốc và lai tạo thành công giống ngựa Kabadin (xuất xứ từ Nga) với dòng ngựa bản địa. Giống ngựa Bạch thuần chủng đã có giai đoạn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị săn lùng để nấu cao nay số lượng đang phát triển trở lại từ nỗ lực bảo tồn, nhân giống và chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm cho người nông dân. Việc nghiên cứu để “pha máu” giống ngựa Kabadin cao to, vạm vỡ với dòng ngựa nội đã tạo ra những thế hệ ngựa lai có vóc dáng phù hợp, đa chức năng (kéo, thồ, cưỡi…) và thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên Việt Nam.

Tiến sĩ, Giám đốc Nguyễn Văn Đại bên chú trâu Murrah.

Tiếp tục câu chuyện về ngựa, Giám đốc Trung tâm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại dẫn tôi đi tham quan lần lượt các khu vực nuôi nhốt từng chủng loại khác nhau. Mỗi ô chuồng nhốt một chú ngựa, có biển ghi tên từng cá thể, số hiệu, phẩm giống và năm sinh. Không những vậy, tôi ngạc nhiên hơn khi anh Đại cho biết, mỗi con ngựa đều có lý lịch cụ thể, có dán ảnh, thậm chí ghi chú cả về cá tính và được quản lý bằng phần mền. Hằng ngày, ngựa ăn 2 bữa chính, nếu thời tiết thuận lợi thì chúng được thả ra bãi cỏ để vận động. Đến giờ gọi chúng về, công nhân chỉ việc “hú” vài tiếng là đàn ngựa tự rồng rắn về chuồng, tự tìm đúng vị trí ô chuồng của mình. Con nào cũng có tên riêng để dễ phân biệt, nào là: Bạch Nam, Bạch Phương, Bạch Thành hay Hồng Nhung…và khi được gọi chúng đều biết.

Cùng với sự phát triển của ngành Nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi ngày càng được giao nhiều nhiệm vụ. Không những bảo tồn và phát triển các giống ngựa quý, Trung tâm còn nghiên cứu, lai tạo và nhân giống thành công các loại trâu, bò, gia cầm và thức ăn gia súc. Đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, triển khai các mô hình, dự án tại nhiều tỉnh phía Bắc, qua đó góp phần đắc lực vào chuyển đổi cơ cấu và phát triển lĩnh vực chăn nuôi, cải thiện đời sống của người dân miền núi.

Là một đơn vị sự nghiệp khoa học (tự chủ một phần kinh phí) hiện có 42 cán bộ, công nhân viên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đang gặp phải một số khó khăn, thách thức bởi sự cạnh tranh do cơ chế thị trường. Thu nhập bình quân của người lao động chưa cao (gần 5 triệu đồng/tháng). Nhưng bằng sự tâm huyết, say mê và tình thương với loài vật, những “nhà khoa học nông dân” ấy vẫn lặng lẽ, bền bỉ cống hiến, khiêm nhường khi nói về thành tích của mình và hạnh phúc khi giúp ích cho nhiều nông dân. Đó là chuyện ở “Trại ngựa Bá Vân”, cái tên đã quen thuộc và là địa chỉ tin cậy của nhiều người./